Truyền thông trong nước thời gian gần đây liên tục cập nhật thông tin hàng ngàn Việt kiều về nước chống dịch rồi Việt kiều làm loạn sân bay, chê điều kiện cách ly tại Việt Nam… nhưng đó chỉ là một phần của sự thật và một nửa sự thật thì không phải là sự thật.
Khi dịch bệnh bùng phát, báo chí trong nước có những bài viết và thông tin như “Việt kiều đổ bộ về nước ‘trốn dịch‘” hay “Việt kiều ồ ạt về nước tránh dịch”. Chưa bàn đến nội dung bên trong nhưng ngay ở tiêu đề, từ ‘Việt kiều’ mà báo chí nhà nước Việt Nam sử dụng đã đặt ra nhiều vấn đề cần tranh luận.
Việt Nam hiện nay có khoảng 4,5 triệu người đang sinh sống và làm việc tại 110 quốc gia trên khắp thế giới, đây là lực lượng rất quan trọng để bỗ xung mỗi năm cho Việt Nam hơn 10 tỷ đô la tiền mặt.
Nếu nhà cầm quyền tại Hà Nội không có biện pháp chấm dứt dùng truyền thông nhà nước, gây chia rẽ kiều bào với quê hương, thì hậu quả sẽ rất nặng nề trong thời gian tới và cuối cùng nghị quyết 36 dành cho người Việt Nam ở nước ngoài cũng trở thành mớ giấy lộn mà thôi.
Trong Từ điển định nghĩa chữ “kiều” là “ở nhờ, đi ở nhờ làng khác hay nước khác gọi là kiều cư, kiều dân. Như vậy, Việt kiều vốn có nghĩa chỉ những người Việt đang có quốc tịch Việt Nam sống nhờ ở các nước bên ngoài Việt Nam, chứ không chỉ công dân nước khác có gốc Việt.
Tuy nhiên, ngày nay “Việt kiều” là thuật ngữ mà những người Việt sống tại Việt Nam dùng để gọi toàn bộ những người Việt sống ở nước ngoài, chứ không phải là thuật ngữ mà những người Việt sống ở nước ngoài gọi chính họ.
Nhiều người Việt định cư ở nước ngoài bày tỏ trên mạng xã hội rằng, chẳng có người nước ngoài gốc Việt nào trở về nước tránh dịch cả. Những người trở về là du học sinh, người đi xuất khẩu lao động hoặc những Việt kiều thật sự trở về vì có việc cần thiết chứ không phải về tránh dịch.
Như tin đã đưa, Facebooker Bùi Thanh Hiếu cũng đã phân tích kĩ tình huống này: Các nước châu Âu cho nghỉ học cả tháng, nhiều cửa hàng cũng buộc phải đóng cửa. Tự nhiên người Việt có một kỳ nghỉ bất đắc dĩ. Tâm lý người Việt cứ được nghỉ dài, hay buộc phải nghỉ dài là họ muốn về quê hương. Với muôn vàn lý do, gặp gỡ nguời thân, cho con cái về gặp ông bà, về xử lý giải quyết việc cá nhân, gia đình… những việc trước kia gác lại do bận rộn chưa thể về được. Đây là lúc họ tận dụng để về giải quyết.
Những du học sinh cũng vây, kỳ nghỉ dài. Bệnh dịch thì chả biết ở đâu sẽ ác liệt hơn ở đâu. Tâm lý cứ về nhà, có gì có gia đình bên cạnh. Mà nghỉ dài như thế không về nhà chơi, thăm, thì ở lại trong phòng để làm cái gì.
Có nhiều ý kiến cho rằng chính cách truyền thông của báo chí Việt Nam đang gây ra một làn sóng di cư từ châu Âu, Mỹ và các nước trở về Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài mà chủ yếu là du học sinh và lực lượng xuất khẩu lao động, những người này vẫn mang Quốc tích Việt Nam – họ là người Việt Nam
Một mặt, truyền thông Việt Nam dưới sự chỉ đạo toàn diện của Ban Tuyên giáo, ngày ngày tô hồng về thành tích chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán của chính phủ Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản đồng thời liên tục ngợi ca chính phủ đã gây ấn tượng và ghi điểm tốt với người dân. Cho đến thời điểm quan trọng nhất khi dịch bệnh bùng phát nhiều người mới nhận ra rằng mình đã được nhận quá nhiều thứ từ Tổ quốc.
Một loạt các khẩu hiệu : Cuộc chiến không để ai bị bỏ lại phía sau, Tự hào quá Việt Nam ơi, Có một Việt Nam kiên cường như thế… xuất hiện tràn ngập trên truyền thông đại chúng.
Ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngạo nghễ phát biểu : “Trên thế giới không phải nước nào cũng làm được như vậy và nước ta có thể tự hào đã làm được điều đó. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân”.
Đến ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sau suốt thời gian vắng bóng kể khi Việt Nam phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ngày 23/1 hay sự kiện bệnh nhân số 17 khiến dịch bệnh xâm nhập cả vào cấm cung của Đảng là Hội đồng lý luận trung ương, thì xuất hiện trở lại vào ngày 20/3 cũng không kém phần tự hào khi nhận định : « Rõ ràng, báo chí, dư luận nước ngoài khen ngợi, nếu không có hệ thống chính trị như của Việt Nam thì chưa chắc đã làm được. » ; « Chúng ta đã thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta » qua công tác phòng chống dịch bệnh…vv
Không chỉ bưng bít thông tin, làm đẹp thành tích phòng chống dịch bệnh với dân chúng, báo chí trong nước còn đưa thông tin không chính xác, phóng đại về các diễn biến tại nước ngoài.
Ngày 20/3, báo chí trong nước liên tục đưa tin về hóa đơn gần 35.000 USD của một bệnh nhân trong quá trị điều trị dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tại Mỹ. Báo điện tử Tuổi trẻ online – cơ quan ngôn luận của Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh giật tít « Bệnh nhân COVID-19 ‘kinh hãi’ nhận hóa đơn điều trị gần 35.000 USD ». Báo Thanh niên, diễn đàn của Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam cũng phản ánh nội dung này trong bài viết có tựa đề « Điều trị Covid-19 ở Mỹ, sốc với viện phí 35.000 USD ». Thông tin này được chia sẻ mạnh mẽ với mục đích lan truyền thông tin chi phí chữa bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Hoa Kỳ rất cao trong khi Việt Nam thì miễn phí điều trị.
Hay câu chuyện về bệnh nhân số 32 Tiên Nguyễn đang sống tại Anh đến bệnh viện khám và chỉ được kê đơn thuốc để về nhà tự cách ly chứ không được xét nghiệm, chẩn đoán như tại Việt Nam. Kết quả là gia đình Tiên phải thuê hẳn một chiếc chuyên cơ riêng với tổng chi phí gần 10 tỷ đồng để chở con gái về Việt Nam chữa trị. Câu chuyện cũng được chia sẻ rộng rãi để làm nổi bật ưu việt của chế độ, nỗ lực không phải nước nào cũng làm được của chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh, người ta cũng quên mất rằng số tiền gần 10 tỷ thuê máy bay riêng rất có thể là một phần tài sản sở hữu toàn dân mà một số cá nhân đã biến nó thành của riêng nhờ chiến dịch cổ phần hóa thần tốc.
Truyền thông cộng sản không ngừng tuyên truyền rằng chính quyền các nước tư bản Châu Âu đang thờ ơ, bỏ mặc số phận người dân, thậm chí nghiệt ngã hơn họ chỉ chữa cho ai có khả năng sống cao vì lý do ko đủ giường bệnh, máy thở và thu viện phí với giá cắt cổ.
Cộng đồng cứ mải mê bị cuốn vào vòng xoáy mị dân của chính quyền với những thành tích chói lọi mà quên mất rằng chính quyền cộng sản độc quyền thông tin tại Việt Nam, thủ tướng đã chỉ đạo tập trung cứu chữa cho bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán, không để có người tử vong thì cũng chả ai ở Việt Nam dám tử vong vì bệnh này.
Cũng chính bởi sự khích lệ niềm tự hào dân tộc quá đà do báo chí trong nước khởi xướng cùng những thông tin một chiều định hướng bởi Ban Tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam, mà trong cộng đồng dấy lên việc chỉ trích, phê phán giải pháp chống dịch của các quốc gia khác.
Kiêu hãnh về thành tích chống dịch diễn ra theo đúng ‘tinh thần và nghị quyết’ của Đảng, nhiều người đã quay sang phê phán thậm chí thóa mạ giải pháp của các nước khác. Họ cho rằng do phương Tây đã lơ là chủ quan với dịch bệnh làm cho dịch bệnh không được kiểm soát, cả nước vỡ trận khiến người Việt tại đây sợ hãi, lo lắng, đổ xô về Việt Nam, một trong những nơi an toàn nhất để tránh dịch.
Trên thực tế, đứng trước một đại dịch, mỗi nước sẽ có những giải pháp khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tình hình kinh tế – xã hội, thể chế chính trị của mình. Châu Âu không thể phòng dịch như Việt Nam khi mà chỉ vì nghi tiếp xúc với bệnh nhân là mang nguyên cả F1, F2, F3, F4 đi cách ly hay phong tỏa cả một vùng, việc tôn trọng chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây cũng khiến người dân không canh xem hàng xóm có người nhà đi nước ngoài về hay không để mà báo lên phường. Phương Tây luôn dựa vào ý thức tự giác của người dân.
Ngược lại Việt Nam cũng chắc chắn không thể làm được như châu Âu khi bước vào giai đoạn dịch bùng phát nghiêm trọng, nhà nước thực hiện lệnh giới nghiêm, chính phủ hỗ trợ không để bất cứ doanh nghiệp nào phá sản, toàn bộ dân lao động phải nghỉ làm sẽ được nhà nước trả lương… trong khi tại Việt Nam 74% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết, có nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Blogger Anh Vũ Ngô phân tích : Khi có khủng hoảng, người ta có xu hướng so sánh phản ứng của các quốc gia mà quên mất rằng sự chuẩn bị trước khủng hoảng đóng vai trò then chốt. Để có được sự chuẩn bị này thì cần một thời gian dài tích luỹ nguồn lực phát triển trong đó thể chế tự do hơn hẳn thể chế tập quyền nhờ kích thích được tiềm lực của nhiều tầng lớp xã hội. Không những thế, ngay cả khi bị buộc phải áp dụng những biện pháp cứng rắn tương đương thì xã hội dân chủ cũng tỏ ra bền vững hơn nhiều xã hội của một nhà nước độc tài.
Trong khi việc bảo vệ công dân của mình tại nước ngoài là nghĩa vụ và trách nhiệm của một quốc gia thì chính quyền cộng sản coi việc hỗ trợ người Việt ở nước ngoài về nước như một sự ban ơn, bố thí và buông lời miệt thị
Trong luật quốc tế, trách nhiệm bảo hộ công dân có bao gồm các hoạt động giúp đỡ về mọi mặt mà nhà nước dành cho công dân mình đang ở nước ngoài, kể cả trong trường hợp không có hành vi xâm hại nào tới công dân của nước này.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 tại khoản 3 Điều 17 quy định: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ”.
Cùng với đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã chỉ rõ, việc bảo hộ những quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài là hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước Việt Nam đối với thế giới cũng như trong con mắt người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khuyến khích, động viên ngày càng nhiều hơn sự đóng góp của bà con Việt kiều vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xin được nhấn mạnh : nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà nước là bảo vệ công dân của mình dù ở bất kì đâu trên thế giới. Cho nên đây không phải bố thí, ban ơn mà các dư luận viên ngày ngày loan báo : Tổ quốc ‘dang tay’ đón đồng bào trở về hay Chỉ có “đất mẹ” bao dung, luôn dang tay đón “con cái” trở về dẫu “con cái” đó đã từng “lầm lỡ”.
Không biết ‘lầm lỡ’ ở đây là do đã lựa chọn một môi trường giáo dục tốt hơn để tích lũy kiến thức cho bản thân hay là lầm lỡ do phải đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền gửi về nước nuôi gia đình khi công việc trong nước không đủ trang trải cuộc sống ?
Nhà nước cộng sản khi cần thì họ sẵn sàng chỉ đạo truyền thông trong nước kích động chia rẽ người dân trong nước với người Việt sinh sống ở nước ngoài, khi quá khó khăn, họ lại kêu gọi Việt kiều đóng góp, hỗ trợ chống dịch bệnh.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam cho biết, vào ngày 8/2 Bộ Tài chính đề nghị Bộ Ngoại giao khuyến khích các tổ chức quốc tế và kiều bào hỗ trợ, cung cấp các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Luật sư Vũ Đức Khanh cho biết thái độ của chính quyền từ hồi xảy ra vụ này từ ngày 23/1 cho đến bây giờ thì quả thật Chính phủ Việt Nam không có những chính sách cụ thể để tiếp cận vấn đề bệnh dịch, đã gây ra sự phản cảm nhất là đối với cộng đồng người Việt ở tại hải ngoại. Vì việc phòng, chống dịch của Chính phủ Việt Nam đối với dân chúng trong nước vẫn còn nhiều bất cập và phải kêu gọi sự hỗ trợ các thiết bị y tế từ quốc tế và kiều bào trong khi lại sốt sắng hỗ trợ cho Trung Quốc trang thiết bị và vật tư y tế trị giá nửa triệu đô la Mỹ để chống dịch virus corona, mà theo như Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng được báo giới dẫn lời nói là “Việt Nam trao tặng số tốt nhất mà Việt Nam có, trong bối cảnh chúng tôi cũng có nhu cầu rất lớn với các vật tư này”.
Facebooker Đặng Phước thì cho rằng việc dùng từ ‘khuyến khích’ của Bộ Tài chính là không chuẩn xác : « Chính phủ chỉ làm được việc kêu gọi Việt kiều đầu tư về VN thì chính phủ phải có điều kiện để họ có lợi mới khả thi, “khuyến khích” mà họ không có lợi thì phỏng VN được gì? Nếu muốn cầu cạnh Việt kiều giúp đỡ thì nói “xin hỗ trợ” hoặc “kêu gọi” cho nó phải phép chứ! »
« Đừng gọi chúng tôi là Việt kiều » là câu nói khảng khái của những nạn nhân của chính quyền cộng sản, bị buộc phải bỏ nước ra đi hay những người đến Mỹ theo diện khác nhưng không đồng tình với chính quyền cộng sản, họ muốn được gọi là “Người Việt tị nạn cộng sản” hay “Người Việt hải ngoại“. Họ cũng khác hoàn toàn các «Việt kiều đỏ» được các quan chức đầu tư sang du học, định cư tại các nước tư bản, chuẩn bị cho một kịch bản sụp đổ chế độ độc tài tại Hà Nội, khi đó « bãi đáp » cùng cơ sở vật chất đã sẵn sàng cho một làm sóng di tản mới.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)