Thái độ thân Trung Quốc của đương kim Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khiến chính trường quốc gia này liên tiếp có những tranh luận sôi nổi. Lần này, đại dịch COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc lại làm dậy sóng quốc đảo xoay quanh câu chuyện chống dịch. Tổng thống Duterte đã chậm trễ hơn các láng giềng trong việc chống COVID-19 để không làm phật ý đồng minh Trung Quốc, để rồi khi bắt tay vào chống dịch thì lại vô cùng cứng rắn, đe dọa bắn bỏ những ai không tuân lệnh phong tỏa mà ông đã ban hành.
Không đến tận Bắc Kinh như Thủ tướng Campuchia Hun Sen giữa tâm dịch, nhưng Tổng thống Duterte luôn ủng hộ đồng nhiệm Tập Cận Bình, tin tưởng tuyệt đối vào khả năng giải quyết dịch của Trung Quốc và đề ra các biện pháp chống dịch trong nước theo hướng không Trung Quốc phật lòng.
Vào cuối tháng Giêng, Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque vẫn từ chối cấm người Trung Quốc vào Philippines vi e ngại “tác động chính trị và ngoại giao”.
Trường hợp tử vong đầu tiên vì virus Vũ Hán bên ngoài Hoa lục là ở Philippines, vào ngày 01/02/2020, càng khiến người dân nước này lo lắng về nguy cơ dịch lan rộng. Đây là một du khách Trung Quốc, đến từ Vũ Hán, trước đó đã đi khắp nơi trên lãnh thổ Philippines. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Duterte vẫn khẳng định không có lý do gì để cấm du khách Trung Quốc đến Philippines.
Hơn thế nữa, lẽ ra chính quyền Philippines phải đi tìm những người đã có liên hệ, tiếp xúc với “bệnh nhân số 0” này để ngăn chặn việc lây lan trong dân chúng, nhưng họ lại không làm vì điều tra quá kỹ về một người Trung Quốc sẽ làm Bắc Kinh tức giận.
Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Pháp François Xavier Bonnet (Ph-răng-xoa Da-vi-ê Bon-nê) ở Manila, thuộc Viện Nghiên Cứu về Đông Nam Á Đương Đại, để không bị dư luận chỉ trích quá nhiều, Bộ trưởng Y Tế Philippines đã giải thích là các hãng hàng không đã từ chối cung cấp cho ông tên các hành khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân số 0 đó.
Và cùng một lúc, chính quyền Philippines cũng đi tìm số 500 du khách Trung Quốc đến từ Vũ Hán đến mừng Tết Nguyên Đán trên các bãi biển nổi tiếng, đầy ắp người của đảo Boracay. Việc tìm kiếm rất miễn cưỡng vì phải mất 4 ngày để tìm ra!
Từ việc yêu cầu đòi ngừng đón khách du lịch Trung Quốc, từ khoảng cuối tháng Giêng, người dân Philippines thậm chí đi xa hơn, đòi chính quyền trục xuất hết người Trung Quốc về nước.
Yêu cầu mang tính cực đoan này dĩ nhiên không được tổng thống Duterte chấp nhận, đồng thời đánh giá là “bài Trung Quốc”.
Tại Philippines thời điểm đó, khẩu trang trở nên khan hiếm trên thị trường, trong khi người dân lo sợ, vội vã đi mua khẩu trang dự phòng. Tình trạng khan hiếm được chính phát ngôn viên Phủ Tổng thống, ông Salvador Panelo, khẳng định : “Làm thế nào chúng tôi có thể phát miễn phí khẩu trang khi không còn nữa?” khi ông trả lời truyền thông về câu hỏi liệu có phát miễn phí khẩu trang như Singapore đang làm hay không.
Trong khi Phủ Tổng thống khẳng định không có khẩu trang để phát cho dân, thì Thượng nghị sĩ Richard Gordon, một người thân cận của Tổng thống Duterte, cho biết đã huy động và xuất khẩu được hơn 3 triệu khẩu trang sang Trung Quốc. Phát biểu trái ngược, thiếu thống nhất giữa hai quan chức khiến người dân phẫn nộ. Họ cho rằng chính quyền Tổng thống Duterte quan tâm đến Trung Quốc hơn là sức khỏe của người dân đã bầu ông làm tổng thống.
Cùng lúc trên mạng Twitter lan truyền hashtag #OutDuterte với khoảng 45.000 tweet tranh luận về chủ đề này. Hashtag này cũng lan truyền trên mạng Facebook để phản đối cách xử lý khủng hoảng.
Đội ngũ dư luận viên của chính phủ thường chỉ trích gay gắt, lăng mạ những ai tấn công tổng thống Duterte, giờ bỗng đổi giọng, kêu gọi người dân Philippines đồng cảm với người Trung Quốc đang phải đối mặt với cảnh bị đối xử phân biệt vì nạn dịch.
Tuy nhiên, người sử dụng mạng xã hội đã nhanh chóng phát hiện nguồn gốc của những tin nhắn đó là từ một “trang chuyên cung cấp thông tin” của chính phủ. Phát hiện trên cho thấy ý đồ định hướng của chính phủ để công luận có thiện cảm hơn với người Trung Quốc sống ở Philippines.
Trong khi tâm lý lo sợ đang lan rộng trong dân chúng tại Philippines thì ông Duterte lại ít xuất hiện trên truyền thông trong thời gian này, mà theo Phát ngôn viên Panelo, Tổng thống ở Davao “để đọc các báo cáo về virus”. Bộ trưởng Y Tế Francisco Duque III đã phải đứng mũi chịu sào ra tuyến đầu chống dịch.
Cuối cùng, trước những lời chỉ trích, lo lắng của đại đa số dân chúng, ông Duterte đành xuất hiện trước công chúng hôm 03/02 và đã phải đổi ý và ra lệnh tạm thời cấm nhập cảnh vào Philippines đối với đa số khách đến từ Trung Quốc, Hồng Kông và Macao.
Tổng thống Duterte phát biểu : “Trung Quốc đã rất tử tế với chúng ta, chúng ta chỉ nên chứng tỏ cho họ thấy điều tương tự. Mọi người hãy ngừng ngay việc bài Trung Quốc”, đồng thời trấn an người dân: “Mọi chuyện vẫn ổn”.
Cho đến khi Philippines có 111 người bị nhiễm COVID-19, trong đó có 8 ca tử vong, theo như số liệu của chính quyền Philippines thì hôm 12/03 Tổng thống Duterte đã ban hành lệnh phong tỏa trên một phần lớn lãnh thổ, cùng một lệnh giới nghiêm rất nghiêm ngặt ở thủ đô Manila. Lệnh giới nghiêm bắt đầu áp dụng kể từ Chủ Nhật 15/3/2020.
Cảnh sát vũ trang đã được triển khai chặn các ngả đường đổ về thủ đô 12 triệu dân. Các chuyến bay nội địa đi từ và đến Manila đã bị hủy. Các cuộc tụ tập công cộng bị cấm trong vòng một tháng.
Tất cả người dân thủ đô tạm thời không được tự do ra vào thành phố trừ phi chứng minh được phải đi làm. Thiết quân luật cũng được áp dụng từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
Tổng thống Philippines đã ra lệnh cho cảnh sát “bắn bỏ” những kẻ “gây loạn” không tôn trọng phong tỏa. Với cách nói thô bạo, ông đã gửi đến những thành phần này lời đe dọa “nếu gây phiền phức thì tao sẽ đưa bọn mày xuống mồ”.
Đến khi dịch bệnh bùng phát trong nước, ông Duterte cũng không quên bảo vệ chính bản thân mình khỏi COVID-19 khiến Philippines phải căng mình vì ông tổng thống.
Đội ngũ bảo vệ an ninh của Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 9/3 tuyên bố “không ai được phép chạm vào Duterte theo nghĩa đen” giữa đại dịch COVID-19. Nhóm an ninh Tổng thống Philippines (PSG) giải thích đây là biện pháp để “đảm bảo an toàn cho Tổng thống và gia đình ông giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát“.
“Những người dự kiến đến gần Tổng thống trong các cuộc họp và sự kiện sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng xem có bệnh hay triệu chứng nào liên quan đến COVID-19 hay không” – chỉ huy PSG, Jesus Durante III, nói. Ông này nói thêm rằng đối tượng bao gồm nhân viên PSG, các chính trị gia và các quan chức khác.
Cơ quan chính phủ Philippines cũng tuyên bố các sự kiện tập trung đông người mà ông Duterte với tư cách là khách mời danh dự sẽ được xem xét và có thể bị hủy bỏ, không chỉ vì sự an toàn của Tổng thống Duterte mà còn cho những người tham dự.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người cao tuổi có tiền sử bệnh có nguy cơ nhiễm dịch cao hơn. Ông Duterte (74 tuổi) là tổng thống lớn tuổi nhất khi đắc cử tại Philippines. Tình trạng sức khỏe của ông Duterte gần đây được truyền thông chú ý. Ông từng nói mắc nhiều bệnh, trong đó có bệnh Buerger (còn gọi là nhược cơ), các bệnh tiền đình và từng xét nghiệm ung thư. Báo địa phương từng thống kê ông Duterte vắng mặt tại ít nhất 8 sự kiện hồi năm 2019 vì các lý do liên quan tới sức khỏe. Điều này làm dấy lên lo ngại về tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo Philippines.
Tuy nhiên trong mọi hoàn cảnh, ông Duterte đã làm tất cả những gì có thể để khỏi làm phật lòng Trung Quốc. Trong mọi phát biểu, ông không quên cảm ơn nồng nhiệt chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về sự trợ giúp của Trung Quốc trong lúc mà nhiều nước chỉ trích sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh về nạn dịch.
Gần đây tổng thống Philippines có cố bào chữa cho đồng minh: “Không phải lỗi của Trung Quốc nếu virus xuất hiện trên đất họ”.
Bất chấp những lời có cánh của Duterte, Bắc Kinh chẳng trợ giúp bao nhiêu cho Manila để chống dịch.
Theo số liệu của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, Trung Quốc đã viện trợ cho Philippines 400.000 khẩu trang giải phẫu và 40.000 chiếc loại FFP2.
Ngoài ra, lãnh đạo ngành y tế Philippines còn than phiền là chỉ 40% xét nghiệm mà Bắc Kinh gởi qua là cho kết quả chính xác. Sau đó Y Tế Philippines đã phải đổi ý kiến và xin lỗi về tuyên bố này.
Trong một phóng sự đăng ngày 27/4/2020, Marianne Dardard, Thông tín viên Tạp chí Pháp L’Express tại Philippines đã không ngần ngại mỉa mai, gọi Tổng thống Philippines là một chàng “cao bồi chống virus corona”.
Hơn nữa, chiến lược thân thiện của Manila đã không giúp Philippines khống chế đại dịch. Bệnh dịch tại Philippines dự trù sẽ tiếp tục lan rộng, trái với những lời khẳng định là dịch bệnh đang lùi bước của chính quyền.
Tất cả những động thái của ông Duterte suốt nhiệm kì của ông chỉ càng làm cho làn sóng bài Trung Quốc tại Philippines trỗi dậy.
Và đại dịch COVID-19 trở thành cái cớ để một bộ phận người dân Philippines giải tỏa phẫn nộ, bức xúc về người Trung Quốc nói chung trên các mạng xã hội và qua đó lên án chính sách thân Trung Quốc của tổng thống Duterte như nhận định trong bài viết “Chính sách thân Trung Quốc của Duterte đạt đến giới hạn lây lan” đăng trên Asia Times ngày 06/02/2020.
Mới đây, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã phải hứng chịu sự giận dữ của người dân sở tại.
Để ca ngợi sự giúp đỡ mà Trung Quốc đã dành cho Philippines trong công cuộc chống dịch COVID-19 và tình hữu nghị đoàn kết giữa hai nước, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã cho thực hiện và công bố hôm 24/4/2020 một video clip âm nhạc bằng tiếng Hoa và tiếng Tagalog, ngôn ngữ chính của Philippines.
Thế nhưng clip video tuyên truyền mang tựa đề song ngữ Iisang Dagat (Hải Đích Na Biên), tạm dịch là “Một biển”, đã bất ngờ bị rất nhiều người Philippines phản đối và đả kích, xem đấy là một âm mưu của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông trong đó có các vùng biển của Philippines.
Tính đến hết ngày 26/04, tức là hai hôm sau khi được tung lên mạng Youtube cũng như trang web của đại sứ quán Trung Quốc, clip video này đã thu hút được hơn 470.000 lượt người xem trên Youtube, và được gần 20.000 bình luận.
Về thái độ của người xem, clip này đã bị 135.000 phản ứng “ghét” (dislikes), so với vỏn vẹn 1.800 phản ứng “thích” (likes).
Trên Twitter, Dân biểu Rufino Biazon, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng tại Hạ Viện Philippines không che giấu thái độ bực tức: “Họ (tức là Trung Quốc) đã có thể chọn ‘Iisang Mundo’ (Một thế giới), hoặc ‘Iisang Laban’ (Một cuộc chiến), hoặc ‘Iisang Adhikain’ (Một mục tiêu). Thế nhưng không. Họ lại chọn Iisang Dagat (Một biển), điều rõ ràng là không thích hợp với những tranh chấp chủ quyền đối lập nhau ở Biển Tây Philippines (tên Philippines đặt cho Biển Đông)”.
Chính khách này tự hỏi “Nếu giờ đây ta nói “Hai Trung Quốc” thì sao?”
Đây quả là một vố đau cho đại sứ quán Trung Quốc, vốn đã đầu tư rất nhiều vào công việc tuyên truyền này, với chính Đại sứ Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) viết lời cho bài hát và một trong những người hát là một nhà ngoại giao Trung Quốc.
Càng gần đến ngày mà trên nguyên tắc Tổng thống Philippines hết nhiệm kỳ thì ông Duterte càng để lộ rõ vai trò người phục vụ đắc lực cho quyền lợi của Trung Quốc.
Và đại dịch COVID-19 mở ra nhiều đất diễn để ông Duterte thể hiện sự trung thành tuyệt đối với Bắc Kinh.
Giới chức và người dân Philippines càng có dịp để thấy rõ hơn mối bận tâm của vị tổng thống mà họ bầu ra. Thay vì chăm lo cho người dân của mình trước một dịch bệnh vô tiền khoáng hậu đang hủy hoại sức khỏe toàn cầu thì nguyên thủ đất nước lại chăm chăm theo dõi sắc mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đăm chiêu nghĩ cách để làm hài lòng ‘Hoàng đế Tập’.
Và thành tích của ‘chàng cao bồi Manila’ trong cuộc chiến chống COVID-19 cũng đáng để người dân Philippines suy nghĩ về lá phiếu trong kì bầu cử sắp tới của mình. Tính đến hết tháng Tư 2020, Philippines là quốc gia đứng thứ hai Đông Nam Á về số ca tử vong vì COVID-19, với 568 người chết, trong lúc đứng thứ ba về số lây nhiễm, xấp xỉ mức 8.500 trường hợp.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)