Quân đội Trung Quốc mạnh đến đâu?

https://www.youtube.com/watch?v=BNTexliOq9g
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=BNTexliOq9g

Từ vụ xung đột đẫm máu nhất trong vòng 45 năm qua ở vùng biên giới với Ấn Độ đến việc tích cực thúc đẩy chủ quyền phi pháp trên Biển Đông bất chấp đại dịch thế kỷ COVID-19 lũng đoạn thế giới hay sự gia tăng tranh chấp trên Biển Hoa Đông với Nhật Bản rồi nhưng căng thẳng với Đài Loan cùng việc áp đặt ‘bàn tay sắt’ lên Hồng Kông, thế giới không khỏi tò mò về thực lực của quân đội tại đất nước đông dân nhất thế giới này.

Theo bảng xếp hạng danh sách các quốc gia có quân đội mạnh nhất thế giới năm 2020 được trang web Global Fire Power công bố, quân đội Trung Quốc tiếp tục chiếm giữ vị trí thứ ba sau Mỹ và Nga.

Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 3 trong bảng danh sách với chỉ số sức mạnh là 0,0691; lực lượng thường xuyên là 19.614.517 người; lực lượng dự bị: 2.183.000 người cùng 3.210 máy bay chiến đấu; 3.500 xe tăng chiến đấu và 777 tàu hải quân.     

Trang web Global Fire Power là một trang web quân sự phi chính phủ ở Mỹ chuyên đánh giá sức mạnh quân sự các nước trên thế giới thông qua việc sử dụng 55 tiêu chí khác nhau để chấm điểm cho quân đội mỗi quốc gia dựa trên quy mô, tài chính và số lượng thiết bị công nghệ cao. Điểm hoàn hảo là 0 (điểm càng thấp thì quân đội càng mạnh).

Báo cáo thường niên mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) hồi tháng 4 vừa qua cho thấy Trung Quốc xếp thứ hai trên toàn thế giới về mức chi tiêu quân sự trong năm 2019 với 261 tỷ USD.

Nhà quan sát Benjamin Lai, cựu quân nhân dự bị Hồng Kông cho quân đội Hoàng gia Anh, người đã nghiên cứu kỹ từng biến đổi của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhận định việc tăng ngân sách quân sự thêm 6,6% cho năm 2020 trên thực tế là một sự suy giảm so với mức tăng 7,5% năm 2019 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng như những khó khăn từ bên trong Hoa lục. Kể từ những năm 1980, chi tiêu quân sự của Trung Quốc tương đối ổn định tỷ lệ theo GDP, dưới 2% GDP. Đơn giản là vì kinh tế Trung Quốc đã tăng rất nhiều. 2% của một chiếc bánh lớn là rất nhiều tiền.

Một điều đáng lưu ý là quân đội Trung Quốc không điều khiển được Chính phủ cũng như Đảng Cộng sản. Cho dù quân đội Trung Quốc có một tầm ảnh hưởng lớn trong Đảng nhưng Đảng Cộng sản kiểm soát quân đội chứ không phải ngược lại. Các tướng lĩnh thực ra không có quyền lực ở mức có thể nói với Tập Cận Bình phải làm gì.

Ngoài ra, Trung Quốc còn là một cường quốc hạt nhân của thế giới.

Ảnh: Tên lửa đạn đạo liên lục địa, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân DF-41 của Trung Quốc trong một cuộc diễu binh ở Bắc Kinh năm 2019

Trung Quốc trở thành cường quốc hạt nhân vào năm 1964. Số liệu do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIRPI) công bố mới đây ước tính, Trung Quốc đang có trong tay gần 320 đầu đạn hạt nhân. Nền kinh tế thứ hai thế giới đã gia tăng ​​kho vũ khí nguyên tử trong năm qua với 40 đầu đạn. Nước này cũng duy trì bộ ba hệ thống khí tài hạt nhân gồm tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm. Bắc Kinh đề ra chính sách “không ra tay trước“, đồng nghĩa với việc cam kết chỉ sử dụng vũ khí nguyên tử để trả đũa khi bị đối phương tấn công hạt nhân.

Phân tích về số lượng quân nhân của quân đội Trung Quốc, ông Benjamin Lai khẳng định không nên đánh giá một quân đội chỉ bằng các con số. Số lượng không là chất lượng. Nước Pháp năm 1940 có nhiều xe tăng hơn Đức nhưng vẫn bại trận. Trên thực tế, Trung Quốc không ngừng giảm bớt quân số các binh chủng, đặc biệt là bộ binh, theo truyền thống là có quân số đông nhất, và ngày nay, ưu tiên được dành cho hải quân và không quân. Ngoài ra, PLA còn bao gồm cả những quân nhân mà phương Tây xem như là dân sự : Đó là những họa sĩ, nhà văn, diễn viên múa và ca sĩ, và thậm chí cả người dẫn chương trình TV… Nhiều quân y viện cũng mở cửa cho các thường dân, và cả các nhà khoa học nữa. Rất nhiều nhà xưởng sản xuất vũ khí nằm trong hệ thống của PLA và các nhân viên chủ chốt của họ được xem như là những ʺngười línhʺ.

Ngoài ra, Trung Quốc là một đất nước rất rộng lớn. Với 9,5 triệu km2, lớn hơn nước Pháp đến 14 lần. Nhưng quân đội Trung Quốc cũng chỉ đông hơn quân đội Pháp có 8 lần, vốn chỉ có 268.000 người bao gồm cả khối dân sự. Nếu so sánh với tầm mức của Trung Quốc, quân đội nước này không mấy gì đông đảo. Cuối cùng, quân đội Trung Quốc là quân đội bao gồm lính nghĩa vụ, trong khi quân đội Pháp là quân đội chuyên nghiệp. Các quân đội lính nghĩa vụ thường đông hơn các quân đội lính tình nguyện chuyên nghiệp có đào tạo. Lính nghĩa vụ của Trung Quốc hầu như không được trả lương. Họ được nuôi ăn, ở, nhưng không cần phải đãi ngộ tốt như những người theo nghiệp nhà binh với đầy đủ các tiện nghi hiện đại…

Trên phương diện công nghệ, ông Benjamin Lai khẳng định Trung Quốc vẫn đứng sau Hoa Kỳ rất xa, cho dù là quân đội nước này càng ngày càng khá hơn.

Ảnh: Tàu sân bay Sơn Đông là một thiết kế sao chép từ tàu sân bay Liêu Ninh với nhiều hạn chế về năng lực tác chiến

Quân đội Trung Quốc đặc biệt yếu về công nghệ tầu ngầm và chống tầu ngầm, cũng như là trong việc sản xuất động cơ hàng không. Hệ quả là, các chiến đấu cơ của Trung Quốc không đủ mạnh.

Quân đội Trung Quốc cũng yếu về hàng không mẫu hạm. Nước này chỉ có hai chiếc. Đúng hơn là một chiếc rưỡi vì Trung Quốc chỉ mới đang học cách sử dụng.

Năng lực triển khai quân xa của Trung Quốc vẫn còn thấp. Các lực lượng của Trung Quốc chưa thể đi quá xa ngoài lãnh thổ. Dù là họ đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này.

Liên quan đến chương trình luyện tập, Trung Quốc có một vấn đề, đó là từ năm 1980, họ không có tham chiến vào một cuộc chiến nào. Trong khi đó người Mỹ không ngừng chiến đấu kể từ năm 1945. Giờ bay của phi công Trung Quốc ít hơn phi công Mỹ. Và các tướng lĩnh Trung Quốc ít sáng tạo hơn trong các cuộc luyện tập, thường hay theo sát một kế hoạch đã được lập trước. Tuy nhiên, tình hình đang có những những thay đổi đáng kể.

Trong một số lĩnh vực, quân đội Trung Quốc có cùng cấp độ hoặc tiến bộ hơn một chút so với Mỹ.

Trong lễ diễu binh ngày 01/10/2019, người ta đã có thể nhìn thấy chiếc máy bay siêu thanh DF-ZF, một tên lửa hành trình siêu thanh rất tiên tiến, có lẽ là hiện đại hơn cả tên lửa của Hoa Kỳ.

Trung Quốc còn nghiên cứu chế tạo cả railgun – một loại đại pháo điện từ và có thể là đang dẫn trước trong việc phát triển loại vũ khí này.

Hồi tháng 4/2020, Trung Quốc đã cho hạ thủy một tầu tấn công đổ bộ mới, Type 75, một bãi đáp đổ bộ cho trực thăng. Họ cũng đã nâng cấp chiếc máy bay vận tải hạng nặng, Y-20, chiếc đầu tiên thuộc loại này của Trung Quốc. Hệ thống công nghiệp – quân sự của Trung Quốc có một lợi thế so với phương Tây, đó là tất cả các linh kiện mà họ sử dụng đều được sản xuất tại Trung Quốc.

Về chương trình luyện tập, quân đội Trung Quốc đã xây một căn cứ rất lớn dành cho luyện tập quân sự tại vùng Nội Mông, trại Chu Nhật Hòa (Zhu Ri He), rộng hơn 1.000 km2.

Năm 2012, Trung Quốc cho thiết lập lực lượng đối kháng riêng của mình, phỏng theo mô hình Opfor của Mỹ, một đơn vị chuyên đóng vai kẻ thù trong các cuộc luyện tập. Trung Quốc đã chuyển sang luyện tập theo kiểu phương Tây, tức là không luyện tập theo một chương trình định sẵn từ trước mà sử dụng trí não là chính. Tuy nhiên, trong một bộ phim tài liệu mới đây về Opfor Trung Quốc, viên chỉ huy của lực lượng này giải thích rằng trong số 7 đợt luyện tập, ông ta đã chiến thằng đến 6 lần. Điều này cho thấy là quân đội Trung Quốc vẫn chưa mấy đổi mới trong các phương thức chiến đấu.

Về phương hướng hoạt động, Trung Quốc vẫn luôn theo đuổi chính sách phòng thủ.

Ông Benjamin Lai phân tích: Kể từ năm 1949, Trung Quốc chưa bao giờ được bình yên. Lúc nào cũng có những mối đe dọa, tranh chấp với Liên Xô, xung đột với Đài Loan và Hoa Kỳ đứng ở phía sau, và thậm chí là các cuộc chiến tranh biên giới, tại Triều Tiên và ở Việt Nam… Chính vì lý do này mà Trung Quốc chú trọng đến chính sách phòng thủ. Bây giờ thì tranh chấp biên giới đã được giải quyết với Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ, quốc gia còn lại mà Trung Quốc có tranh cãi biên giới là Ấn Độ.

Nói về vụ va chạm ở biên giới gần đây với Ấn Độ trên dãy Himalaya, ông Benjamin Lai cho biết trên các kênh truyền thông tại Trung Quốc không phân tích sâu về cuộc xung đột đẫm máu này. Nhìn từ góc độ lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ công nhận đường kiểm soát thực sự, nơi mà quân đội hai bên dừng lại vào cuối cuộc chiến năm 1962, và Ấn Độ xem như là biên giới của họ. Bởi vì trước đây, Trung Quốc chưa bao giờ ký kết chấp nhận đường ranh giới Mac Mahon, được thỏa thuận vào năm 1914 giữa Anh Quốc và người Tây Tạng. Chính phủ Trung Quốc không công nhận Tây Tạng như là một đất nước tự do. Một chính quyền địa phương không có thẩm quyền ký kết các thỏa thuận. Bây giờ Ấn Độ tố cáo Trung Quốc xâm nhập vào lằn ranh này. Chúng ta đang trở lại với vấn đề của thế kỷ XIX.

Bình luận về tương quan sức mạnh quân sự của Trung Quốc và Ấn Độ, ông Benjamin Lai cho rằng Trung Quốc vượt trội trên phương diện vũ khí, nhưng chủ yếu là có lợi thế địa hình chiến lược. Đầu tiên, Tây Tạng nằm ở phía trên cao, Ấn Độ thì ở phía dưới. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tốt hơn rất nhiều, như tàu hỏa, đường bộ, viễn thông… Trung Quốc có thể vận chuyển quân và tiếp tế cho họ nhanh hơn rất nhiều.

Ấn Độ cố gắng bù đắp điều này bằng cách trang bị các chiếc máy bay vận tải của Mỹ như chiếc C-17 Globemaster. Nhưng quân đội Ấn Độ cũng bị bất lợi do thiếu sự phối hợp tập trung. Các lực lượng vũ trang của Ấn Độ có đến 17 loại súng khác nhau, được mua từ Mỹ, Úc, Israel… làm đau đầu ban quân nhu. Tiểu liên INSAS do Ấn Độ chế tạo chưa bao giờ được sản xuất hàng loạt và cảnh sát Ấn Độ lại rất ưng loại AK-47. Dẫu sao thì Ấn Độ cũng có một lợi thế đáng kể, đó là các đội quân sơn cước của họ có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, chống quân đội Pakistan trên cao nguyên. Ấn Độ có thể lấy lại thế mạnh này nhưng dường như vẫn chưa làm được điều đó.

Tổng kết lại, nhà phân tích khẳng định Tập Cận Bình đã mang lại những thay đổi lớn trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Ông ấy tấn công nạn tham nhũng. Điều này có thể thấy rõ trong giai đoạn 2014 – 2016 và ít thấy hơn trong 2019 – 2020. Giang Trạch Dân đã bổ nhiệm những tay chân thân tín để lãnh đạo quân đội và ông ấy vẫn còn kiểm soát Trung Quốc trong hậu trường khi Hồ Cẩm Đào là Chủ tịch nước. Giang Trạch Dân vẫn là Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương trong suốt bốn năm đầu Hồ Cẩm Đào đứng đầu Nhà nước. Trong suốt những năm đó, ông ta đã đặt bạn bè của ông ta vào những vị trí chủ chốt trong quân đội. Điều này đã làm cho quân đội trở nên bị tham nhũng nặng, một số người còn mua cả chức vụ và bậc hàm. Nhiều sĩ quan điều hành đơn vị của họ như là những tiểu vương quốc của cá nhân. Một số người vẫn giữ nhà công vụ, trị giá đôi khi hàng triệu đồng sau khi rời khỏi vị trí. Số khác thì lén lút cho người ngoài thuê tài sản của quân đội, để xây nhà ở, khách sạn hay điểm kinh doanh, như ở đây Thượng Hải chẳng hạn, các bãi đỗ xe của các viện quân y từ lâu trở thành các cửa hiệu.

Ông Lai khẳng định nhờ vào chiến dịch của Tập Cận Bình mà tệ nạn tham nhũng trong PLA đã có quy mô nhỏ hơn. Không còn những bữa dạ tiệc, không còn rượu cognac trong các bữa ăn của các sĩ quan. Tập Cận Bình đã sa thải những ai không tuân thủ ông ấy và những kẻ tham nhũng, đồng thời nắm lại quyền kiểm soát quân đội, cho phép ông khởi động một chương trình cải cách trong Quân ủy Trung ương, và bốn bộ chỉ huy của ông ta là chính trị, hậu cần, vũ khí và nhân sự. Ông ta đã giảm số quân khu từ 7 xuống còn 5. Tập Cận Bình còn thành lập một nhánh mới của quân đội : Lực lượng hỗ trợ chiến lược, có khả năng tiến hành chiến tranh mạng. Hải quân đóng nhiều tàu chiến mới. Không quân cũng đang chuyển các chiến đấu cơ từ hệ thứ 4 sang thứ 5.

Nhưng vì quân đội Trung Quốc rất lớn, mọi sự thay đổi trang thiết bị đòi hỏi nhiều thời gian. Họ vẫn còn cho bay các chiếc J-7 đời cũ, tương đương với loại Mig-21 cũ, các loại chiến đấu cơ thời Chiến Tranh Lạnh, và họ còn sử dụng các chiếc xe tăng đời thứ nhất, T-59, một bản sao của xe tăng Liên Xô T-54, có từ năm 1954. Hơn nữa, những loại vũ khí mới đắt hơn rất nhiều : Chiếc T-59 giá chỉ vừa 30.000 đô la, xe tăng đời mới T-99MBT giá hơn hai triệu đô la/chiếc. Tiền lương cho lính đã được cải thiện, các doanh trại cũng vậy, và giờ có thể tiếp đón các gia đình binh sĩ. Sau cùng, APL bắt đầu mở cửa cho phép các công ty tư nhân cung cấp hậu cần như SF Express chẳng hạn.

Dự đoán về kết quả cuộc chiến Mỹ – Trung nếu xảy ra, ông Lai cho rằng nếu đối đầu xảy ra gần bờ biển Trung Quốc, hải quân của PLA sẽ có lợi thế. Lực lượng này sẽ được bảo vệ bởi một dàn tên lửa rất hiệu quả đặt trên đất liền. Nhưng ở xa Trung Quốc thì hải quân nước này bị mất lợi thế đó. Hơn nữa, các tàu chiến của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp liệu nếu đi quá xa Trung Quốc. Chính vì điều này mà Bắc Kinh quyết định mở một căn cứ quân sự tại Djibouti. Trong 20 năm nữa, Trung Quốc có thể sẽ có khả năng điều tầu chiến đi xa hơn. Nhưng Trung Quốc không có lợi lộc gì tại Địa Trung Hải, như là ở Ấn Độ Dương, bờ đông châu Phi…

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Lo sụp đổ – Trung Quốc lập văn phòng “mật vụ đỏ” tại Hồng Kong

>>> “Đòn gió” của Trung Quốc ngăn cản Việt Nam kiện về Biển Đông

>>> Thương mại, bảo vệ khí hậu, Hồng Kông: Trung Quốc bỏ mặc EU – và thậm chí còn đe dọa tại thượng đỉnh trực tuyến EU-Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=VIDfvQPBdGI
TQ “đe” – dạy cho VN 3 bài học trên Biển Đông