Ngày 04/08 vừa qua, Mỹ đã thử thành công tên lửa liên lục địa (ICBM) Minuteman III. Tên lửa được trang bị ba đầu đạn, phóng từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California và bay được 6.760 km sau đó rơi xuống quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương.
Lần gần đây nhất Mỹ thử tên lửa này là ngày 05/02.
Như vậy chỉ trong vòng 6 tháng, siêu cường thế giới đã hai lần thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Lần lượt vào tháng 12/2019, tiếp theo tháng 02 và nay là tháng 08/2020, quân đội Mỹ đã tiến hành thử tên lửa xuyên lục địa Minuteman III. Đây là loại hỏa tiễn địa đối không duy nhất trong kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ từ năm 2005 và được triển khai tại ba căn cứ quân sự Mỹ ở Wyoming, Bắc Dakota và Montana. Đại tá Omar Colbert, chỉ huy vụ thử ngày 04/08 cho biết, Minuteman III có từ 50 năm và nay tiếp tục “được thử nghiệm để bảo đảm độ tin cậy cho đến năm 2030, khi chương trình GBSD (Ground Base Strategic Deterrent) được triển khai thay thế”.
Cách đây 1 năm, ngày 02/08/2019, Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung (tầm bắn từ 500 đến 5.500 km), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (tên gọi tắt là INF), ký kết từ thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev năm 1987. Nhờ đó mà Hoa Kỳ mới có thể tiến hành các vụ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất hoặc tên lửa xuyên lục địa. Xa hơn, việc rút khỏi INF cho phép Washington triển khai các vũ khí vốn bị INF cấm tại vùng Đông Á, để ngăn đà bành trướng của Trung Quốc, cũng như gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh tham gia vào một thỏa thuận tên lửa tầm trung mới.
Hai lý do được Hoa Kỳ chính thức đưa ra: thứ nhất là nước Nga của Vladimir Putin không tôn trọng hiệp ước này, chế tạo vũ khí mới 9M729 hay SS C8, theo cách gọi của NATO và thứ hai là Trung Quốc nhờ không bị ràng buộc bởi bất cứ thỏa thuận nào nên tự do phát triển vũ khí và đang bành trướng sức mạnh tại châu Á cũng như trên thế giới, đe dọa an ninh của Hoa Kỳ.
Nhưng lên án Nga « không tôn trọng INF » chỉ là cái cớ, mục đích quan trọng nhất của việc hủy bỏ INF với Nga là Tổng thống Donald Trump « muốn rảnh tay để đối phó với Trung Quốc, một đại cường quân sự đang lên ».
Từ khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump tuân thủ một nguyên tắc xuyên suốt « làm cho nước Mỹ hùng mạnh ». Với đường lối này, trong danh sách đối thủ của Mỹ thì Trung Quốc bị xem là mục tiêu số một chứ không phải là Nga.
Chỉ trong hồ sơ G7 hay G8 thôi, đã hai lần Donald Trump đề xuất mời Nga trở lại, sau khi tư cách thành viên của Matxcơva (do vụ sáp nhập Crimée) bị Tổng thống Obama và giới lãnh đạo châu Âu « đình chỉ » vào năm 2014.
Trong khi đó Trung Quốc lâm vào một cuộc chiến tranh thương mại gần như toàn diện do Mỹ khởi xướng: chính quyền bị lên án khuynh đảo đồng tiền, hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế, các tập đoàn công nghệ bị tố cáo làm gián điệp, đánh cắp phát minh của đối tác…
Ông Trump đã và đang, bằng mọi cách, bảo vệ thế áp đảo của Mỹ từ kinh tế, công nghệ cao cấp cho đến quân sự đang bị Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt với mục tiêu qua mặt nước Mỹ vào năm 2049, theo kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cụ thể, chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump đã gia tăng ngân sách quốc phòng; thành lập binh chủng không gian; chế tạo vũ khí mới vừa làm hài lòng phe quân đội, vừa tạo thêm công ăn việc làm thúc đẩy kinh tế nhưng cũng để bảo vệ thế thượng phong quân sự; giúp Đài Loan tăng cường vũ trang; đưa các hải đội tác chiến vào vùng biển Đông Nam Á nơi Trung Quốc tranh giành chủ quyền; dự án bố trí tên lửa tầm trung ở châu Á – Thái Bình Dương và củng cố mặt trận Nam Thái Bình Dương với Úc và các tiểu quốc đảo…
Việc thử tên lửa liên lục địa vừa qua đã thu hút được nhiều sự quan tâm nhất là trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức xấu nhất kể từ năm 1949.
Tương tự lần thử ngày 05/02, Không quân Mỹ khẳng định vụ thử đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng và không “nhằm đáp trả hoặc phản ứng về những sự kiện trên thế giới hoặc căng thẳng trong vùng”.
Tuy nhiên, theo RFI, khó có ai tin vào phát biểu này khi nhìn vào những căng thẳng trong thời gian gần đây với Bắc Kinh, đặc biệt là tham vọng trở thành cường quốc quân sự của Trung Quốc. Trong bản báo cáo liên quan đến quá trình hiện đại hóa của Hải quân Trung Quốc (China Naval Modernization : Implications for U.S. Navy Capabilities – Background and Issues for Congress) được cập nhật ngày 30/07/2020, Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ nhấn mạnh đến việc Hải quân Trung Quốc đã có trong tay rất nhiều vũ khí tiên tiến, trong đó có tên lửa chống hạm (ASBM), tên lửa hành trình chống hạm (ASCM), tàu ngầm, tàu chiến, thiết bị bay không người lái, chiến đấu cơ và nhóm chức năng quân sự C4ISR (Chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính ; Tình báo quân sự ; Giám sát, thu thập thông tin về mục tiêu và trinh sát).
Hai thập niên Hoa Kỳ lơ là khu vực châu Á – Thái Bình Dương để tập trung vào Trung Đông và Afghanistan đã tạo cho Trung Quốc cơ hội phát triển lực lượng hải quân hùng hậu, có khả năng bảo vệ bờ biển, ngăn Mỹ tiến gần. Theo một bài viết của David Lague đăng trên Reuters vào tháng 05/2020, Trung Quốc hiện có khả năng cạnh tranh, thậm chí còn trội hơn Mỹ về khả năng tên lửa. Lợi thế này có được là nhờ Trung Quốc không tham gia các hiệp định hạn chế vũ khí hoặc tên lửa tầm trung như Nga và Mỹ đã ký kết (thỏa thuận INF, New START). Cường quốc Đông Á này đã triển khai khoảng 2.000 tên lửa liên lục địa hoặc tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.
Ngày 28/07/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhận định hệ thống phòng thủ tên lửa là một phần không thể thiếu trong cuộc đua giữa các siêu cường, đồng thời cảnh báo là Nga và Trung Quốc đang phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng hiệu quả.
Trang mạng Bộ Quốc phòng Mỹ dẫn lời một số quan chức cho rằng « Trung Quốc và Nga đang phát triển những hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng hiện đại, với số lượng ngày càng nhiều và đưa những hệ thống này vào trong chiến lược phòng thủ vào lúc Nga và Trung Quốc đang cạnh tranh với nước Mỹ ».
Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc khẳng định phòng thủ tên lửa là một chiến lược chủ đạo trong tham vọng quân sự. Tuy hiện tại Bắc Kinh còn lệ thuộc nhiều vào hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 và S-400 của Nga, nhưng Trung Quốc cũng đang nỗ lực nghiên cứu và đầu tư để củng cố khả năng của nước này.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, song song với hệ thống phòng thủ HQ-19, rất có thể sẽ được sử dụng để phòng thủ chống các loại tên lửa đạn đạo tầm trung, được dự trù vào năm 2021, Bắc Kinh dường như cũng đang phát triển tên lửa bắn chặn hành trình.
Nếu như Trung Quốc tuyên bố đã cho bắt đầu thử nghiệm từ tháng 02/2018, nhiều quan chức quân sự Mỹ đánh giá có nhiều khả năng tên lửa chưa thể được đưa vào vận hành vào cuối năm 2020, đồng thời dự báo loại vũ khí này có nhiều khả năng là để chống tên lửa đạn đạo tầm trung và rất có thể được cải tiến để tấn công các tên lửa liên lục địa và được phóng từ tầu ngầm.
Trên phương diện tấn công, Trung Quốc cũng đã đạt được những thành quá đáng kinh ngạc khi nhiều quốc gia đồng minh, đối tác của Mỹ và kể cả một số căn cứ của Hoa Kỳ đã nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Trung Quốc.
Bắc Kinh đã phát triển được một hệ thống hỏa tiễn tầm trung hùng hậu tại Hoa lục, được đánh giá là « tân tiến nhất thế giới », trái ngược hoàn toàn với tình trạng yếu kém của binh chủng tên lửa Trung Quốc vào thời điểm Mỹ – Xô ký thỏa thuận INF năm 1987.
Hàng loạt vũ khí tối tân đã được Bắc Kinh phô trương trong buổi diễu binh 01/10/2019, ghi dấu đảng Cộng Sản cầm quyền được 70 năm tại Hoa lục. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhân cơ hội này để chứng tỏ thành quả hiện đại hóa quân đội đồng thời khuyến cáo các quốc gia láng giềng có xung khắc với Trung Quốc và xa hơn nữa là các đồng minh của Mỹ và nước Mỹ.
Trong dịp này, Bắc Kinh tung ra những vũ khí át chủ bài. « Bảo bối » lợi hại số một là hỏa tiễn Đông Phong-41, trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân, có thể bay đến bất cứ nơi nào trên nước Mỹ. Tuy dài đến 20 thước, Đông Phong-41 rất linh động, có thể di chuyển thường xuyên, trái với thế hệ tên lửa trước, đặt trong các ống phóng cố định trong núi.
Adam Ni, Chuyên gia về vũ khí Trung Quốc thuộc Đại học Macquarie, Sydney, Úc nhận định « tên lửa mới này chứng tỏ công nghệ quân sự của Trung Quốc đã tiến bộ đáng kể, linh động, hiệu quả, chính xác ». Nói cách khác, Trung Quốc đã trở thành một đối thủ đáng gờm đối với Mỹ.
Ngoài tên lửa liên lục địa, Trung Quốc còn biểu dương một loạt vũ khí mới khác đều lợi hại như nhau : oanh tạc cơ chiến lược H6-N mang bom nguyên tử và có tầm hoạt động xa hơn thế hệ trước, tên lửa đạn đạo JL-2 trang bị cho tầu ngầm, đủ sức bay đến Alaska, tên lửa siêu thanh DF-100 chống hàng không mẫu hạm.
Nhưng « ngôi sao » trong ngày diễn binh 01/10 là tên lửa DF-17 : một khi lên đến độ cao dự kiến , sẽ thả « tàu lượn siêu thanh » có hình mũi tên, lao vào mục tiêu với vận tốc 7.000 cây số/giờ. Nếu sự thực là như thế, vũ khí này của Trung Quốc còn kém tên lửa tối tân nhất của Nga là Zircon, với vận tốc 10.000 cây số/giờ mà Hoa Kỳ vừa mới tập đánh chận ở ngoài khơi California. Quân đội Trung Quốc cũng trình làng hai loại máy bay tự hành mới : trinh sát WZ-8 và tấn công GJ-11.
Vậy trước sức mạnh quân sự ngày càng phát triển của Trung Quốc cùng tham vọng bá quyền khu vực và thế giới thì Mỹ cần phải làm gì?
Theo bản báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ, quân đội Trung Quốc được hiện đại hóa, có khả năng tác chiến cao, sẵn sàng can thiệp quân sự vào Đài Loan, nếu thấy cần thiết ; khống chế và chiếm hữu Biển Đông từ các nước láng giềng, bảo vệ thương mại hàng hải của Trung Quốc đến tận Vùng Vịnh để đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ ở vùng Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định vị trí cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.
Khống chế Trung Quốc ngay sát sườn là phương án được hai giáo sư trường Hải chiến Mỹ James Holmes và Toshi Yoshihara gợi ý. Khác với tên lửa Trung Quốc, thường là tầm ngắn, được lắp cố định trên đất liền, Mỹ có thể lập vòng vây tên lửa lưu động trên tầu chiến được triển khai trong vùng hoặc cố định trên những chuỗi đảo của Mỹ ở Thái Bình Dương hoặc ở Nhật Bản. Philippines được cho là điểm khóa chốt cho vòng vây này. Tuy nhiên, tổng thống Duterte vừa cấm quân đội Philippines tham gia tập trận với Mỹ và ông luôn giữ lập trường nhún nhường với Trung Quốc. Ngoài ra, đội bay Super Hornet của Hải quân Mỹ cũng như máy bay ném bom B-1 của Không quân được trang bị tên lửa chống hạm Lockheed Martin cũng sẽ được tăng cường yểm trợ trong trường hợp cần thiết.
Vụ thử tên lửa xuyên lục địa ngày 04/08, một lần nữa khẳng định chiến lược “phát triển tên lửa tầm xa tấn công từ mặt đất và tên lửa hành trình chống hạm” của Hoa Kỳ, vì “đây là phương tiện nhanh nhất để tái xây dựng hỏa lực tầm xa ở vùng tây Thái Bình Dương (nơi có Trung Quốc)”, theo nhận định của Robert Haddick, một cựu sĩ quan của Hải Quân Mỹ, hiện là nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchelle (Mitchelle Institut for Aerospace Studies).
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Biển Đông: Indonesia cứng rắn, Philippines lập lờ
>>> Mỹ muốn lĩnh vực công nghệ không có mặt của Trung Quốc
>>> Tổng thống Trump quyết quét sạch ứng dụng Trung Quốc