Tác giả: Hannah Beech
Dịch giả: Vũ Quốc Ngữ
Mục tiêu khôi phục bình thường lại các chuẩn mực chính sách đối ngoại của tổng thống đắc cử Biden đã khiến những người bảo vệ nhân quyền ở châu Á lo ngại, đó là những người mà họ coi Tổng thống Trump là người đối đầu với các nhà độc tài.
Bangkok – Một nhà bất đồng chính kiến từng bị Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là kẻ thù số 1 đang lan truyền thuyết âm mưu về gian lận phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.
Các nhà vận động dân chủ từ Hồng Kông đang ủng hộ những tuyên bố thắng cử của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử vừa qua.
Các nhà hoạt động nhân quyền và các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Việt Nam và Myanmar đang bày tỏ sự dè dặt về khả năng kiềm chế các nhà độc tài của Tổng thống đắc cử Joseph R. Biden Jr.
Có vẻ trái ngược khi những người ủng hộ dân chủ ở châu Á nằm trong số những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông Trump, người đã tuyên bố là bạn với Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un. Nhưng chính việc ông Trump sẵn sàng bỏ qua các nghi thức ngoại giao, từ bỏ các hiệp định quốc tế và làm cho các đối thủ của mình mất cân bằng đã khiến ông được ca ngợi là một nhà lãnh đạo đủ mạnh để đứng lên chống lại các nhà độc tài và bảo vệ các lý tưởng dân chủ ở nước ngoài, ngay cả khi ông bị chỉ trích ở trong nước.
Khi Tổng thống đắc cử Biden tập hợp nhóm người phụ trách chính sách đối ngoại của mình, các nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng trên khắp châu Á lo lắng về mong muốn của ông Biden để Hoa Kỳ tuân theo trở lại các chuẩn mực quốc tế. Họ tin rằng ông Biden, giống như cựu Tổng thống Barack Obama, sẽ tìm cách sống chung với Trung Cộng hơn là đối đầu với Bắc Kinh bằng các biện pháp quyết đoán. Và quan điểm ủng hộ Trump của họ đã được củng cố bởi thông tin sai lệch trên mạng, thường được đưa ra bởi các nguồn tin tức không rõ ràng, rằng ông Biden đang làm việc song song với những người cộng sản hoặc là một người cảm tình với xã hội chủ nghĩa.
Elmer Yuen, một doanh nhân Hồng Kông, người đã đăng video trên YouTube chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói: “Biden làm tổng thống chẳng khác gì như Tập Cận Bình ngồi trong Nhà Trắng. Ông ấy muốn cùng tồn tại với Trung Cộng, và bất cứ ai muốn cùng tồn tại với Trung Cộng thì đều thua cuộc”.
Với nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump trong thời kỳ đi đến hồi kết, các nhà hoạt động này đang kêu gọi chính quyền Trump có động thái dứt khoát chống lại những kẻ chuyên quyền châu Á, tương tự như nỗ lực gần đây nhằm mở rộng bức tường biên giới với Mexico.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thực hiện một chuyến đi tới 5 quốc gia ở châu Á vào tháng 10, trong đó ông từ bỏ sự lịch thiệp ngoại giao và mô tả chính phủ Trung Cộng như một “kẻ săn mồi“, “vô luật pháp và đe dọa” và “mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tương lai của tự do tôn giáo“. Chuyến đi có ý nghĩa như một đối trọng với Trung Quốc trong một khu vực mà chính sách ngoại giao bằng tiền của Bắc Kinh đã tạo được ảnh hưởng đáng kể.
Đầu tháng này, Lobsang Sangay đã trở thành người đứng đầu chính phủ Tây Tạng lưu vong đầu tiên đến thăm Nhà Trắng; lời mời khiêu khích này đã khiến Bắc Kinh tức giận, vốn coi ông Sangay là một người theo chủ nghĩa ly khai.
Vào tháng 6, ông Pompeo đã tham dự một cuộc họp trực tuyến với nhà lãnh đạo dân chủ Hồng Kông Joshua Wong và Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan, cả hai đều bị chính phủ Trung Cộng ghét bỏ.
Sự nổi tiếng của ông Trump đặc biệt ấn tượng đối với các nhà hoạt động dân tộc thiểu số ở Đông Nam Á và những người theo đạo Thiên Chúa, chẳng hạn như các học giả pháp lý gốc Trung Quốc đang chống lại chủ nghĩa cộng sản vô thần. Họ tin rằng ông Pompeo và các quan chức khác của chính quyền Trump đã và đang hoàn thành sứ mệnh dựa trên đức tin ở nước ngoài.
Năm ngoái, ông Trump đã gặp gỡ tại Nhà Trắng với một nhóm các nhà lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Hkalam Samson, chủ tịch của Công ước Kachin Baptist, đại diện cho dân tộc thiểu số Kachin theo đạo Cơ đốc bị đàn áp ở Myanmar.
“Kinh nghiệm của tôi tại Nhà Trắng, khi tôi được dành một phút để nói về Kachin, có ý nghĩa rất lớn và điều đó cũng có nghĩa là Trump quan tâm đến chúng tôi”, ông Samson nói. “Trump là tốt cho Kachin hơn Biden”.
Sự hoài nghi đối với ông Biden cũng lan rộng đến những người đấu tranh cho các quyền chính trị thế tục. Họ nói rằng việc áp dụng ngoại giao truyền thống của tổng thống đắc cử Biden sẽ không hiệu quả khi chỉ có một bên tuân theo luật.
“Các chính sách của Biden đối với Trung Quốc, phần về việc buộc Trung Quốc tuân theo các quy tắc quốc tế, tôi nghĩ là không hiệu quả”, Wang Dan, người đã giúp dẫn đầu cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989 khi còn là sinh viên đại học, nói. “Như chúng ta biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc hầu như không tuân thủ các quy tắc quốc tế”.
“Hoa Kỳ phải nhận ra rằng sẽ không có cải thiện nào về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc nếu không có sự thay đổi chế độ”, ông Wang nói thêm. Ông tiếp tục đặt nghi vấn về việc ông Trump bị thất cử. Những tuyên bố vô căn cứ cũng được chia sẻ bởi các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng gốc Hoa khác.
Tuy nhiên, những người khác trong cộng đồng, đặc biệt là ở Hồng Kông và Trung Quốc, nói rằng việc ủng hộ ông Trump là đạo đức giả và thậm chí là nguy hiểm.
“Thành tích nhân quyền của Trump – những gì ông ấy làm với trẻ em nhập cư, lệnh cấm nhập cư đối với người Hồi giáo, chủ thuyết da trắng, đã làm tôi không thể ủng hộ ông ta, cho dù đây không phải là thái độ phổ biến của nhiều người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan”, nghệ sĩ Badiucao nói. Ông sinh ra ở Trung Quốc và hiện sống lưu vong ở Úc.
Ông giấu danh tính, chỉ lấy nghệ danh là Badiucao, để bảo vệ gia đình mình ở Trung Quốc. Ông đã tranh cãi trực tuyến với ông Wang và những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng khác và khiến cuộc chiến “đấu khẩu” trở thành một chủ đề nghệ thuật của ông.
“Những người này là thực dụng, và họ tin rằng nếu ông Trump tiến hành cuộc chiến chống lại đảng Cộng sản Trung Quốc thì ông ấy phù hợp với họ”, ông Badiucao nói. “Tâm lý đó phù hợp với toàn bộ hệ tư tưởng ‘Nước Mỹ trên hết’, bất chấp người khác có thể chịu thiệt hại miễn là họ đạt được mục tiêu và mục tiêu của họ là lật đổ đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Trong 12 tháng qua, chính quyền Trump đã tăng cường các hành động ở châu Á.
Cuối năm ngoái, chính phủ Mỹ đã cấm các nhà lãnh đạo quân sự từ Myanmar nhập cảnh vào đất nước này vì vai trò của họ trong điều mà ông Pompeo gọi là “vi phạm nghiêm trọng nhân quyền” của người Hồi giáo Rohingya và các nhóm thiểu số khác. Các biện pháp trừng phạt tài chính cũng được áp dụng đối với các cá nhân ở Pakistan và Campuchia, cùng các quốc gia khác, nơi các quyền tự do dân sự đang bị đe dọa.
Mùa hè năm nay, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Carrie Lam, nhà lãnh đạo của Hồng Kông và 10 người khác vì “phá hoại quyền tự trị của Hồng Kông và hạn chế quyền tự do ngôn luận hoặc hội họp của công dân Hồng Kông”. Thêm 4 quan chức nữa đã được thêm vào danh sách trừng phạt trong tháng này.
Vào tháng 6, ông Trump đã ký đạo luật dẫn đến các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với các quan chức Trung Cộng, những người đã giám sát việc xây dựng các trại giam hàng loạt ở khu vực Tây Bắc Tân Cương, nơi có hơn một triệu người, chủ yếu là thành viên của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, đã bị giam cầm.
Salih Hudayar, người sinh ra ở Tân Cương và sang Mỹ cư ngụ khi còn nhỏ cho biết: “Chính quyền Trump cho đến nay đã làm nhiều việc để nêu ra vấn đề của chúng ta hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại. Tôi rất nghi ngờ chính quyền của Biden vì tôi lo rằng ông ấy sẽ cho phép Trung Quốc trở lại bình thường, đây là một cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ trong thế kỷ 21”.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden đã đưa ra một tuyên bố gọi tình hình ở Tân Cương là một “cuộc diệt chủng”. Chính quyền Trump đã không có thái độ như vậy và một cuốn sách của cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông kể rằng ông Trump đã nói với Tập Cận Bình, Bắc Kinh nên tiếp tục xây dựng các trại tạm giam ở Tân Cương.
Các cố vấn chính sách đối ngoại cho ông Biden nói, thật không công bằng khi cho rằng ông Biden sẽ tiếp tục lập trường ôn hòa của chính quyền Obama. Họ nói, đó là một thời đại khác. Đạo luật nhân quyền gần đây do chính quyền Trump đưa ra đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.
Và một số nhà bất đồng chính kiến ở châu Á thừa nhận rằng ác cảm đối với ông Biden một phần là do một lượng lớn thông tin sai lệch trên mạng cho rằng tổng thống đắc cử Biden là một người âm thầm theo xã hội chủ nghĩa hoặc “tiền cộng sản” từ nước ngoài đã xoay chuyển cuộc bầu cử chống lại Trump, mặc dù không có bất kỳ bằng chứng nào. Những tuyên bố không có cơ sở như vậy đã được lặp lại bởi các trang trên mạng bằng tiếng Việt, tiếng Trung Quốc và các ngôn ngữ khác.
“Cuộc khủng hoảng dân chủ trên thế giới khiến người dân, đặc biệt là các nhà hoạt động, hoang mang và dễ bị ảnh hưởng bởi các thuyết âm mưu và bởi sự thao túng bóp méo thông tin”, Nguyễn Quang A nói, một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam, người đã bị bắt giữ nhiều lần vì chỉ trích giới lãnh đạo cộng sản của đất nước. “Việt Nam không có các phương tiện truyền thông độc lập và mọi người, đặc biệt là các nhà hoạt động, đã tẩy chay các phương tiện truyền thông chính thống“.
Một trong những tiếng nói có ảnh hưởng nhất lan truyền trên Twitter những câu chuyện sai sự thật về ông Biden và cuộc bầu cử là Ai Weiwei, nghệ sĩ đương đại Trung Quốc hiện sống lưu vong ở nước ngoài.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Ai Weiwei nói rằng ông không phải là một người hâm mộ của ông Trump. Ông đã vẽ nhiều bức hình của Trump với ngón tay giữa giơ lên. Nhưng ông Ai nói rằng ông sẽ không khác gì một chính phủ độc tài như Trung Quốc, nếu ông cắt bỏ cuộc tranh luận trên nguồn cấp dữ liệu mạng xã hội của mình.
Ông Ai nói: “Ở khắp châu Á, trên toàn thế giới, mọi người không có quyền phát biểu. Còn ở Mỹ, dù hữu hay tả, ai cũng có quyền tự do cá nhân. Điều này phải được bảo vệ“./.