Đảng Cộng sản Việt Nam khủng hoảng lãnh đạo kế cận

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=tNY1jGjm8FI

Việt Nam bước sang một giai đoạn mới – về lý thuyết – khi đại hội 13 của Đảng Cộng sản cầm quyền duy nhất bầu bán xong nhóm các lãnh đạo hàng đầu của đảng và bế mạc hôm 1/2.

Tuy nhiên, với việc nhà lãnh đạo cao nhất trên thực tế của đảng vẫn là ông Nguyễn Phú Trọng, giới quan sát đưa ra nhận định là Đảng CS Việt Nam đang có khủng hoảng trong công tác sắp xếp lãnh đạo kế cận.

Như tin đã đưa, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 hôm 31/1 bầu ông Nguyễn Phú Trọng được tiếp tục giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương. Đây là nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của ông Trọng ở vị trí đầy quyền lực này.

Báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin rằng ông Trọng, 77 tuổi, là một trong mười trường hợp đặc biệt trúng cử Ban Chấp hành Trung ương, cụ thể là quá giới hạn về độ tuổi tham gia Ban Chấp hành được quy định trong điều lệ của đảng.

Bây giờ tôi cũng không được khỏe lắm, tuổi cũng cao rồi, tôi cũng xin nghỉ nhưng Đại hội bầu vẫn phải làm vì là đảng viên tôi phải chấp hành, nên tôi sẽ cố gắng hết sức”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại một cuộc họp báo hôm 1/2, theo tường thuật của báo chí trong nước.

Từ Singapore, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak đưa ra nhận xét với VOA về sự kiện này:

Ở một nghĩa nào đó, có thể coi là có khủng hoảng ở mức độ nhất định trong việc tìm kiếm những nhân vật lãnh đạo phù hợp để thay thế những nhân vật đã quá giới hạn độ tuổi hoặc quá giới hạn nhiệm kỳ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm một nhiệm kỳ có thể được coi là một giải pháp tình thế để ngăn khủng hoảng có thể xảy ra”.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp ghi nhận rằng giải pháp này trước mắt đạt được sự đồng thuận trong giới lãnh đạo cấp cao của đảng, thể hiện qua thực tế là Ban Chấp hành Trung ương khóa mới hầu như nhất trí hoàn toàn với việc ông Nguyễn Phú Trọng ở lại chức tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ.

Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu của Viện ISEAS-Yusof Ishak lưu ý đến thực trạng đại hội đảng lần này chấp nhận nhiều trường hợp đặc biệt, nổi bật là ông Trọng, và như thế là một số quy tắc nội bộ của đảng về nhân sự bị phá vỡ.

Nếu điều này không được khắc phục, các quy tắc, điều lệ không được phục hồi trở lại, có thể tạo ra tiền lệ rất xấu, tạo ra những bất ổn khó đoán định trong vấn đề nhân sự trong tương lai”, tiến sĩ Hiệp nói.

Giáo sư Mạc Văn Trang, người thường lên tiếng phản biện xã hội, chia sẻ ý kiến với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh:

Ông Trọng là người cao tuổi, đã bị tai biến, sức khỏe đã giảm sút, thậm chí đi phải có người dắt, thế mà ông lại tiếp tục nữa. Điều đó chứng tỏ có khủng hoảng lãnh đạo trong giới chóp bu của đảng cộng sản.

Ông Trọng vi phạm chính điều lệ của đảng. Bây giờ ông làm nhiệm kỳ thứ ba, như thế tạo ra dư luận không hay. Lẽ ra phải có những người trẻ lên thay thế.

Điều này chứng tỏ là đang có sự bế tắc, thiếu tin tưởng vào tầng lớp kế cận”.

Nhà báo tự do Song Chi, một cựu đạo diễn phim rời bỏ Việt Nam đi tị nạn chính trị năm 2009 và hiện sống ở Anh, bày tỏ quan điểm trên trang Facebook cá nhân rằng: “Cả nước [Việt Nam] lại được dẫn đường bởi một ông già 77 tuổi, hai lần bị đột quỵ, đầu óc xơ cứng, chỉ lặp đi lặp lại về chủ nghĩa Mác-Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa Xã hội, luôn luôn đặt sự tồn vong của đảng, của chế độ lên trên hết”.

Trong con mắt của nữ nhà báo, ông Nguyễn Phú Trọng là “hình ảnh của một người cộng sản từ những năm 40, 50 của thế kỷ 20, là một con người thủ cựu, chỉ có mớ lý thuyết Mác-Lê cũ rích, chứ không phải là một nhà lãnh đạo của thời đại hôm nay, không có tư duy sắc bén, tầm nhìn xa để lãnh đạo đất nước”.

Bà Song Chi hình dung viễn cảnh không mấy tích cực cho Việt Nam với lời bình luận rằng: “Khi nhìn như thế thì thấy tương lai, vận mệnh của đất nước ít nhất trong 5 năm cầm quyền tới của ông cũng chả có gì thay đổi, vẫn loạng choạng đi theo con đường zic zac, vẫn tiếp tục vá chỗ này bịt chỗ kia”.

Khác với bà Song Chi, tiến sĩ Mạc Văn Trang đặt hy vọng vào những nhân vật có đầu óc cải cách đang ẩn mình chờ thời ở trong đảng. Ông nói:

Trong Bộ Chính trị, trong Trung ương, cũng có rất nhiều người yêu nước, có năng lực, họ có thể có tư tưởng đổi mới, không chấp nhận cơ chế, thể chế như hiện nay, nên họ không được tin tưởng.

Sau này, trong quá trình chuyển đổi, những nhân tố mới sẽ xuất hiện, và người đó sẽ làm nên chuyện, làm thay đổi thể chế và tạo sự phát triển mới cho đất nước”.

Ảnh: sau lần đột quỵ tại Kiên giang hồi tháng 4-2019, Tổng bí thư chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thường xuất hiện với hình ảnh đi không vững phải có người đỡ

Theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, ngay cả khi Đảng Cộng sản Việt Nam bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ, họ đã bắt đầu tìm kiếm người kế nhiệm ông rồi, nhưng các phe nhóm nhiều thế lực trong đảng chưa đạt được đồng thuận về người tiếp theo này. Ông Hiệp nói:

Chủ yếu đây là mâu thuẫn giữa các nhóm, hoặc các nhân vật cụ thể liên quan đến quan hệ quyền lực giữa các nhân vật này. Ví dụ, những nhân vật có quyền lực lớn hơn không muốn từ bỏ vị trí của họ.

Trong khi đó, các nhân vật có triển vọng bước lên vị trí mới lại bị hạn chế về mức độ ảnh hưởng, về sự hậu thuẫn trong trung ương đảng.

Cho nên, có những mặc cả, có những đàm phán để đạt sự dàn xếp càng nhiều người ủng hộ, càng nhiều người chấp nhận càng tốt”.

Trong phân tích của riêng mình, tiến sĩ Hiệp dự báo rằng có khả năng cao là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể chuyển giao quyền lực sau vài ba năm chứ không làm hết nhiệm kỳ, do ông có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn so với nhiệm kỳ trước.

Tuy nhiên, nếu các phe phái không đạt được đồng thuận về người thay thế ông Trọng, sự bế tắc vẫn kéo dài, dẫn tới ông Trọng phải ở lại lâu hơn so với dự kiến ban đầu của đảng, theo tiến sĩ Hiệp.

Ông Trọng được dư luận trông đợi sẽ về nghỉ hưu “khi mà cấp dưới hết tranh cãi với nhau đủ lâu để có thể đồng ý với nhau về cách thay thế ông tốt nhất nhằm gỡ thế bí nhân sự“.

Trước ĐH 13, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm trong một bài viết cho BBC nhận xét rằng người mà ông Trọng đang đi tìm “là chính ông“, một chỉ dấu cho thấy sự bế tắc trong việc chuyển giao quyền lực ở thời điểm này.

Chỉ có một mình Nguyễn Phú Trọng đang đi tìm một Nguyễn Phú Trọng và càng loay hoay tìm người kế vị, ông chỉ nhìn thấy chiếc bóng của mình,” Tiến sĩ Liêm viết.

Trên Facebook cá nhân có hơn 40 ngàn người theo dõi, GS Mạc Văn Trang bình luận rằng “Bảo: cụ Trọng phải tiếp tục làm TBT thì được. Còn bảo, cụ ấy già yếu, nghỉ cho người trẻ lên là “phản động”! DÂN CHỦ thế đấy! Ha ha ha!”.

Ảnh: ông Nguyễn Xuân Phúc được dự báo sẽ nắm chức Chủ tịch nước

Trong bài viết “THẢO NÀO NHÂN SỰ ĐẢNG LÀ “TUYỆT MẬT“?” GS Mạc Văn Trang viết rằng:

Nay xem Danh sách Ban Chấp Hành Trung Ương ĐCSVN khoá XIII vừa được công bố, mới càng thấy “tuyệt mật” về nhân sự của ĐCSVN là bí quyết thành công!

Nếu công khai danh sách để “Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra, Dân góp ý” thì nhiều chuyện “thâm cung bí sử” của nhiều đồng chí sẽ toé loe ra, không khéo “bung“, “toang” thì nguy. Bí mật nên “Lòng Dân” mới không biết “Ý Đảng” ra răng mà mần!

Cụ Nguyễn Phú Trọng. Cứ cho là sự nghiệp “đốt lò” của Cụ được nhiều người khen; Cụ gương mẫu với các đảng viên; Cụ có công củng cố Đảng… nhưng nghe trong Dân có nhiều ý kiến về Cụ đấy:

– Nhiều người thương yêu Cụ, bảo Cụ già yếu, bệnh tật thế kia, để Cụ phải gánh vác công việc nặng nề nom rất tội. Nghe nói Cụ bà cũng khuyên can Cụ nghỉ hưu thôi. Nhiều người quý Cụ mà muốn Cụ được an nhàn tuổi già.

Cũng có người bảo cụ Bai- Đần bên Mỹ còn già hơn, nhưng cụ ấy chưa bị bệnh, còn đi lại nhanh nhẹn, quỳ gối cũng rất thanh thoát; còn  cụ Trọng thì tai biến rồi, đi phải có người dắt, tuổi càng cao, sẽ càng yếu…

Cụ ở lại mang tiếng “tham quyền, cố vị“; ở ĐH XII, hứa là làm nửa nhiệm kỳ, thế rồi kéo dài cả nhiệm kỳ, nay lại kéo tiếp nhiệm kỳ thứ 3. Thế là vi phạm Điều lệ Đảng, mà thân làm tội đời, chứ được gì!…

– Lại có người bảo, sao Cụ không tin vào người kế cận do chính Cụ tuyển chọn, bồi dưỡng mà cứ cố ôm đồm? Tre già măng mọc chứ, ôm sao được mãi?

Cụ từng chọn ông Phạm Quang Nghị làm “thế tử“, thế rồi cũng đi “tong“; rồi ông Đinh Thế Huynh, Cụ tâm đắc lắm, thế mà cũng cho “ngồi chơi xơi nước” mất tăm!

Ảnh: ông Phạm Minh Chính được dự báo sẽ lên làm thủ tướng chính phủ

Rồi đến khoá này, ông Trần Quốc Vượng được chọn là Thường trực Ban bí thư, “dưới một người, trên vạn người“, quyền sinh, quyền sát bấy lâu nay, thế mà cũng cho “tuột dốc không phanh“.

Vậy là sao? Có kẻ độc mồm, theo “thuyết âm mưu“, nó bảo, Cụ chỉ giả vờ “” thôi, chứ thâm nho lắm: Chọn người kế vị “có vấn đề“, để Cụ phế đi và tiếp tục nắm quyền… Thôi thì miệng tiếng “Dân biết, Dân bàn“… phức tạp lắm!

– Còn cái bọn “thế lực thù địch, cơ hội, bất mãn“, đòi Tam quyền phân lập, Xã hội dân sự, mà Cụ gọi là “những kẻ bất hảo“, chúng nó chê Cụ kinh lắm, chả dám nhắc ở đây làm gì.

Nhưng bọn ấy cũng là Dân đấy, chúng vẫn là công dân, thực hiện theo điều 25 của Hiến Pháp CHXHCNVN (2013).

Dù Cụ bảo: Hiến pháp là quan trọng lắm, chỉ dưới Cương lĩnh của Đảng, nhưng bọn này không thèm biết Cương lĩnh là gì, cứ Hiến pháp là tối thượng!

Cụ mà bắt bọn này đi tù hết thì nhà tù đâu mà chứa?

TBT Nguyễn Phú Trọng nói “Dân tinh lắm, hỏi dân biết cả”, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư nói: “Dân là người giám sát, không ai qua mắt được dân”, đều đúng sự thật, là chân lý đó. Nhưng Đảng nói vậy mà lại sợ hãi, trốn tránh, che giấu SỰ THẬT! Bầu bán xong rồi mới dám công khai, thì Dân còn biết làm gì!?” GS Mạc Văn Trang nêu chất vấn.

Ảnh: thường trực ban bí thư Trần Quốc Vượng

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Giáo sư Carl Thayer nhận định về Việt Nam sau Đại hội 13

>>> Nguyên nhân nào dẫn đến việc ông Trọng cho giải tán đại hội sớm?

>>> Tập Cận Bình “khen nóng” Nguyễn Phú Trọng đắc cử nhiệm kỳ 3

Đảo chính tại Myanmar: ‘Cha bắt mẹ’


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT