Link Video: https://youtu.be/nD3mcUWZyqc
Cho đến thời điểm này thì xem như Chính phủ đã bị khuyết 3 ghế Phó Thủ tướng. Tứ trụ Phó Thủ mà gãy hết 3 trụ thì có thể nói Chính phủ của ông Phạm Minh Chính đang tổn thương nguyên khí nghiêm trọng. Bộ máy Chính phủ vận hành bao nhiêu năm nay, giờ đây, nhiều vị trí bị khuyết. Mà khi Chính phủ bị khuyết, thượng tầng lại có cơ hội chạy đua trám vào chỗ trống.
Trong số tam trụ bị thổi bay thì có 2 trụ chắc chắn là do ông Tổng thổi, chân trụ còn lại là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thì không biết ai ra tay, mà phải có ân oán sâu đậm lắm thì mới ra tay nặng đến như vậy.
Theo giới quan sát, ông Phạm Minh Chính tuy đang là thế lực mạnh thứ nhì trong chính trường, nhưng ông Chính lại không nắm trong tay những nhân sự đủ mạnh để trám vào những chiếc ghế trống. Hai trong số 3 vị trí Phó Thủ tướng, theo dự trù thì ông Nguyễn Phú Trọng sẽ cử người từ Ban Bí thư của ông để trám vào. Đó là vị trí Phó Thủ tướng Thường trực được dự trù cho ông Lê Minh Hưng, ghế còn lại dự trù cho ông Lê Hoài Trung – Trưởng ban Đối ngoại Trung ương. Ông Trung là dân ngoại giao từng làm phó cho ông Phạm Bình Minh.
Nếu Chính phủ chỉ khuyết hai ghế Phó Thủ thì ít cơ hội cho Nguyễn Thanh Nghị. Tuy nhiên, theo như tình hình hiện nay cho thấy, sẽ có 3 ghế trống. Như vậy cơ hội cho Nguyễn Thanh Nghị lên chức Phó Thủ tướng vẫn đang rộng mở.
Tuy Nguyễn Thanh Nghị chỉ nắm một bộ nhỏ, khó lên Phó Thủ tướng, nhưng Nguyễn Thanh Nghị lại là con trai của ông Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng hiện nay chẳng khác nào anh em kết nghĩa với ông cựu Thủ tướng, nên cơ hội của Nghị rất lớn.
Từ khi Nguyễn Thanh Nghị làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Nghị luôn tỏ ra là một Bộ trưởng năng nổ, dám nói, dám làm. Tuy nhiên, Nguyễn Thanh Nghị dường như không biết điểm dừng, nên có nhiều lúc muốn thọc tay vào lĩnh vực của bộ trưởng khác, điều này có lợi cho Nghị, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nguyễn Thanh Nghị so với cha mình thì nổi bật hơn, vì Nghị được ăn học nghiêm túc, là một trong những lãnh đạo trong Chính phủ có thực học. Đó là lợi thế không nhỏ. Tuy nhiên, về nhãn quan chính trị, về những thủ đoạn trên chính trường, thì Nguyễn Thanh Nghị vẫn chưa tạo được dấu ấn riêng nào. Việc Nguyễn Thanh Nghị phối hợp ăn ý với Phạm Minh Chính, được hiểu là do bàn tay của ông Nguyễn Tấn Dũng đạo diễn, hơn là khả năng do chính Nguyễn Thanh Nghị tạo ra.
Tính đến nay, Nguyễn Thanh Nghị đã có nhiệm kỳ thứ 3 ở Trung ương Đảng mà vẫn chưa vào được Bộ Chính trị. Trong khi đó, Võ Văn Thưởng vào Bộ Chính trị chỉ sau một nhiệm kỳ là Ủy viên Trung ương Đảng. Nói về gốc gác, Võ Văn Thưởng không được rõ ràng như Nguyễn Thanh Nghị. Nói về thực học, Võ Văn Thưởng không bằng Nguyễn Thanh Nghị. Vậy nhưng, Võ Văn Thưởng lại được thăng chức nhanh hơn Nghị rất nhiều. Nhìn vào quá trình như vậy, cũng thấy rằng, Nguyễn Thanh Nghị đang bị lực cản.
Lợi thế lớn nhất của Nguyễn Thanh Nghị là được làm con trai của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng bất lợi lớn nhất đối với Nguyễn Thanh Nghị, cũng bởi vì Nghị là con ông Ba Dũng. Tuy ông Ba Dũng tuy không bị pháp luật sờ gáy, nhưng tai tiếng của ông trong Đảng thì vẫn còn nguyên. Thời Nguyễn Thanh Nghị làm Bí thư Kiên Giang cũng đã bị Trung ương kỷ luật về đất đai Phú Quốc. Tuy rằng hình thức kỷ luật khiển trách là hình thức nhẹ nhất, nhưng điều đó cho thấy, Ban Bí thư đang theo dõi Nguyễn Thanh Nghị rất chặt chẽ, đấy là bất lợi không nhỏ.
Chưa bao giờ cơ hội lên Phó Thủ tướng đối với Nguyễn Thanh Nghị lớn như bây giờ. Tuy nhiên, bên Ban Bí thư cũng lắm người nhòm ngó những chiếc ghế trống đấy. Liệu rằng Nguyễn Thanh Nghị có biến cơ hội thành sự thật, hay để vuột mất, thì còn phải chờ xem. Chờ cho các bên đấu nhau và ngã giá, sau đó mới “chốt kèo”.
Phạm Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Sốc! Ăn đậm hưởng án nhẹ được dùng làm “tấm gương giáo dục”, xã hội thời mạt pháp
>>> Dự trữ xăng dầu quốc gia chỉ đủ dùng 7 ngày, an ninh năng lượng có được bảo đảm?
>>> Phản bội khách hàng tiên phong, VinFast đang tự thít cổ chính mình
Trái phiếu doanh nghiệp hỗn loạn, Chính phủ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm