Giáo sư Carlyle Alan Thayer, sinh năm 1945, là một nhà nghiên cứu chính trị, xã hội nổi tiếng, có song tịch Mỹ – Úc. Ông cũng được biết đến như là một chuyên gia về chính trị Việt Nam và Đông Nam Á, ông từng xuất bản nhiều ấn phẩm về chính trị Việt Nam, có thể kể đến như cuốn “Chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”.
Giáo sư Thayer sinh ra ở California, Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Brown chuyên ngành Khoa học Chính trị, ông từng có thời gian làm tình nguyện viên tại miền Nam Việt Nam, theo chương trình của một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, vào năm 1968. Sau đó ông định cư ở Úc và giảng dạy tại một số trường Đại học tại Úc.
Mới đây, ông đã có những nhận xét về mối liên quan giữa chiến dịch chống tham nhũng và tương lai của một số lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn. Nội dung này đã được dịch giả Trúc Lam chuyển ngữ và đăng trên trang Tiếng Dân ngày 5/1/2023.
Thoibao.de xin tóm lược lại nội dung cuộc phỏng vấn này như sau.
Giáo sư Thayer cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dựa trên nền tảng tư tưởng và dựa trên các quy tắc của Đảng và pháp luật của nhà nước. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng được tiến hành theo các quy tắc và chuẩn mực của Đảng. Mà những chuẩn mực này, rất nhiều điều do ông Trọng đặt ra.
Trước đó, ông Trọng đã rất tích cực trong việc sửa đổi các điều lệ Đảng, hoặc đưa ra các quy tắc mới cho phù hợp với chiến dịch chống tham nhũng của mình. Ông đưa ra một danh mục những việc mà đảng viên không được làm, nếu vi phạm sẽ bị khai trừ khỏi Đảng, bị cách chức v.v…
Chiến dịch của ông Trọng được xem là hợp pháp, vì đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng sẽ bị cơ quan công an điều tra, nếu công an phát hiện vi phạm thì sẽ bị xét xử, bị kết án tù.
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng được xem là di sản của ông đối với Đảng Cộng sản, và ông tìm cách giữ lại những đảng viên có cùng quan điểm chính trị với ông. Thực ra, ông Trọng không cố gắng giữ quyền lực. Trước Đại hội 13, ông Trọng đã cố gắng đưa người ông chọn là Trần Quốc Vượng lên. Nhưng, thật bất ngờ vì ông Vượng đã bị Trung ương Đảng loại bỏ. Do đó, trong tình thế bắt buộc, ông Trọng phải ở lại giữ ghế, vì không tìm được ứng viên khác.
Hiện tại, không rõ ông Trọng chọn ai làm người kế vị. Công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 14 sẽ bắt đầu vào khoảng giữa năm 2023, cho nên thời gian này là thời gian chạy đua quyền lực.
Nhận xét về sự nghiệp của ông Phạm Minh Chính, Giáo sư Thayer cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính không bị ảnh hưởng bởi việc 2 người cấp Phó của ông bị kỷ luật. Ông Chính lên chức Thủ tướng vào tháng 7/2021. Còn những sai phạm trong vụ Việt Á và “chuyến bay giải” cứu xảy ra vào đầu mùa dịch, nghĩa là đầu năm 2020. Ông Chính có kinh nghiệm chọn nhân sự, bởi vì ông từng làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, và là Ủy viên Bộ Chính trị.
Việc ông Trọng không thể đưa được người của mình vào vị trí kế nhiệm tại Đại hội 13, là vì một phe nhóm của các lãnh đạo tỉnh không ưa ông Trần Quốc Vượng. Họ cho rằng, ông Vượng quá thô bạo trong việc thực hiện chiến dịch chống tham nhũng.
Ông Trọng sẽ nghỉ hưu chậm nhất là tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiệm kỳ 14, sẽ diễn ra vào năm 2026. Trong thời gian chờ đợi này, có lẽ ông Trọng đang lặng lẽ vận động các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các quan chức cấp cao khác trong Đảng về người kế vị. Trong thời gian này, ông Trọng vẫn tiếp tục công cuộc đốt lò vĩ đại của ông, vì ông biết, tham nhũng là mối đe dọa lớn cho tính chính danh của Đảng.
Những phân tích của Giáo sư Thayer cho thấy, hoạt động chính trị tại Việt Nam chỉ là công việc của những nhà lãnh đạo chóp bu của Đảng, hoàn toàn không có chỗ cho người dân. Trong thực tế, người dân thường hoàn toàn không có cơ hội chen chân vào guồng máy chính trị này. Có một số người từng tự ra ứng cử Quốc hội, thì đã bị công an đối xử cực kỳ thô bạo, thậm chí có người còn bị đi tù.
Xuân Hưng – thoibao.de (Tổng hợp)