Từ lâu, điều kiện khắc nghiệt trong nhà tù của chế độ Cộng sản Việt luôn là thử thách đối với các tù nhân chính trị ở Việt Nam. Rất nhiều người vì phản đối những bất công, phân biệt đối xử và lạm dụng tư hình, không còn có lựa chọn nào khác, ngoài hành động tuyệt thực để đấu tranh. Những trường hợp được phơi bày trên mạng xã hội là do người tù có người thân kiên trì thăm nuôi và liên lạc, theo dõi tình hình của họ trong tù. Nhưng cũng có rất nhiều người không may khi không thể thông tin cho gia đình đầy đủ, dẫn đến những hậu quả thương tâm.
Mới đây nhất là trường hợp mục sư Đinh Diêm, 61 tuổi, người đang thụ án tù 16 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, vừa qua đời tại Trại giam số 6 tỉnh Nghệ An. Phía trại giam cho biết, ông Đinh Diêm mất vào lúc 9 giờ sáng ngày 5/1, tuy nhiên họ không cho biết nguyên nhân dẫn đến cái chết đột ngột này, theo thông tin từ gia đình ông.
Trao đổi với báo VOA tiếng Việt, bà Đinh Thị Xa, ngày 6/1, cho biết: “Bà đang từ Nghệ An quay về nhà với tâm trạng đau buồn và thất vọng vì nhà xác bệnh viện Nghệ An không cho mang thi thể ông về nhà, mặc cho các thành viên gia đình van xin bằng mọi cách.
“Xin quốc tế và các tổ chức hãy quan tâm lên tiếng cho sự bất công và cách hành xử đối với chồng tôi dẫn đến cái chết như thế này. Đây là một cái chết rất vô lý.” Bà Xa nói.
Trại giam số 6 tỉnh Nghệ An, nơi được xem là một trong những nhà tù hà khắc nhất Việt Nam có lẽ là nơi xảy ra nhiều trường hợp tù nhân chính trị qua đời nhất.
Một nhà báo Việt Nam, ông Đỗ Công Đương mất tại bệnh viện ở Nghệ An vào ngày 2/8/2022, trong thời gian đang thụ án tù sau khi phát hiện nhiều căn bệnh như bệnh tim, viêm phổi, và suy hô hấp.
Hay trường hợp của cựu nhà giáo Đào Quang Thực cũng mất tại đây vào ngày 10/12/2019, khi đang thụ án tù 13 năm, về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
Nhiều trường hợp tử vong khác khi đang thụ án kể từ năm 2019 được ghi nhận bao gồm:
Vào ngày 20/11/2022, ông Phan Văn Thu, một tù nhân tôn giáo, đã chết tại trại giam Gia Trung thuộc tỉnh Gia Lai. Thân nhân của ông cho hay ông bị bệnh đã nhiều ngày và có dấu hiệu bệnh trở nặng, yêu cầu cai ngục cho đi bệnh viện cấp cứu nhưng không cho đi ngay nên qua đời. Ông Thu bị kết án tù chung thân trong phiên tòa không có luật sư biện hộ năm 2013.
Tù nhân chính trị Huỳnh Hữu Đạt, 52 tuổi, mất tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai. Ông phải thụ án 13 năm tù với cáo buộc theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự cũ – “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”
Ông Đoàn Đình Nam mất trong Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) ở tuổi 68 vào năm 2019.
Luật sư Lê Hoà, thuộc đoàn luật sư Hà Nội cho báo RFA biết vào hôm 13/1 về thực trạng của các nhà tù ở Việt Nam:
“Về mặt luật pháp thì bất cứ nước nào nào cũng quy định về quyền lợi của các phạm nhân, Việt Nam cũng vậy. Thế còn việc thực hiện nó như thế nào mới là điều đáng nói.”
Với những gì thực tế trải qua trong hai lần ở tù, cựu tù nhân chính trị, luật sư Nguyễn Văn Đài, cho báo RFA biết:
“Đối với bệnh nặng đến mức độ phải đi bệnh viện thì lúc mấy giờ rất khó khăn. Ví dụ, đối với tù hình sự bình thường, họ có thể dùng tiền mua chuộc bác sĩ hoặc cán bộ trại giam để đi bệnh viện ngoài.
Còn đối với tù chính trị thì việc này rất khó khăn, hầu như là các tù chính trị đều bị bệnh nặng, gia đình và bản thân họ làm đơn kêu cứu đến Bộ Công an nhưng mà hoàn toàn không được đáp ứng những yêu cầu đó.”
Đã từ lâu, tù nhân tại Việt Nam thường bị giam cầm trong những điều kiện vô cùng tồi tệ: Ăn uống thiếu thốn, mất vệ sinh, chỗ giam giữ chật hẹp ăn ngủ vệ sinh tại chỗ. Việc đau ốm không được điều trị, đặc biệt là đối với những tù nhân chính trị là chuyện thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, đối với nhiều trường hợp cái chết của người thân trong ngục vẫn còn nhiều nghi vấn do gia đình không được trại giam cho biết.
Minh Vũ – thoibao.de (tổng hợp)