Ngày 16/1/2023, báo chí nhà nước loan tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố bảng xếp hạng kết quả thực hiện “Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” (PEPI 2021).
Trong đó, Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng với 79,82 điểm, Bà Rịa – Vũng Tàu ở vị trí thứ hai với 78,79 điểm. Đây là năm thứ hai liên tiếp, hai địa phương này nằm trong Top 5 địa phương bảo vệ môi trường tốt nhất.
Trà Vinh xếp thứ 3 với 77,52 điểm.
Các tỉnh/thành phố trong Top 10, gồm Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh, Cần Thơ, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long, Quảng Ninh, Bắc Giang. Top 5 địa phương chót bảng gồm Bình Thuận, Bình Phước, Phú Yên, Kiên Giang và Đắk Nông.
Tỉnh Đắk Nông đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số PEPI 2021, với số điểm 51,3.
Các tỉnh nằm trong nhóm cuối bảng xếp hạng còn có Kiên Giang (55,88 điểm), Phú Yên (54,64 điểm), Bình Phước (54,86 điểm), Bình Thuận (55,14 điểm).
Hà Nội ở vị trí khá thấp khi xếp thứ 55/63 tỉnh/thành phố với 57,36 điểm, chỉ cao hơn Quảng Ngãi, Kon Tum, Bạc Liêu, Bình Thuận, Bình Phước, Phú Yên, Kiên Giang, và Đắk Nông; với hầu hết các chỉ số đều ở nhóm cuối.
Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tất cả các chỉ số được đưa ra nhằm mục đích đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường và đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống.
Đồng thời đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Chỉ số nhóm 2 đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống được thể hiện thông qua việc đánh giá mức độ cảm nhận, sự hài lòng của người dân đối với 08 tiêu chí/vấn đề về chất lượng môi trường liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, bao gồm:
- (1) Chất lượng môi trường nước mặt tại các ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch… tại nơi sinh sống;
- (2) Chất lượng nước dùng cho sinh hoạt tại nơi sinh sống;
- (3) Chất lượng môi trường không khí tại nơi sinh sống;
- (4) Mức độ bảo đảm về tiếng ồn, độ rung tại nơi sinh sống;
- (5) Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nơi sinh sống;
- (6) Thu gom, xử lý nước thải tại nơi sinh sống;
- (7) Hệ thống cây xanh, khu vui chơi giải trí công cộng/danh lam thắng cảnh, cảnh đẹp thiên nhiên tại nơi sinh sống;
- (8) Sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với vấn đề BVMT tại nơi sinh sống.
Khi chỉ tính điểm nhóm 2, kết quả cho thấy các tỉnh/thành phố: Phú Thọ; Bà Rịa – Vũng Tàu; Hà Nam; Tp Hồ Chí Minh; Hậu Giang là 5 nơi có điểm đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống cao nhất.
Các tỉnh/thành phố Hà Nội; Bắc Kạn; Hà Giang; Vĩnh Phúc; Bình Phước là 5 tỉnh/thành phố có số điểm thấp nhất.
Kết quả khảo sát còn cho thấy, trong 7 yếu tố liên quan đến mong muốn của người dân đối với chính quyền được đề cập đến trong bảng câu hỏi, 3 yếu tố (có tỉ lệ cao nhất) được người dân thuộc đối tượng trả lời phiếu lựa chọn nhiều nhất là:
- Giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nơi sinh sống (58%);
- Cải thiện chất lượng môi trường nước mặt tại các ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch… tại nơi sinh sống (48%);
- Cải thiện chất lượng nước dùng cho sinh hoạt tại nơi sinh sống (47%).
Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam trong những năm qua đã ở mức báo động cả về mức độ ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất. Không rõ cách tính điểm chi tiết trong từng mục của “Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” này như thế nào, và cách thu thập mẫu để tính điểm ra sao, nhưng người dân khó có thể tin TP. HCM lại là nơi có mức độ hài lòng về chất lượng môi trường sống cao. Bởi vì, chỉ số AQI về mức độ ô nhiễm không khí nơi đây luôn vượt mức an toàn, và luôn ở trong tình trạng báo động đỏ về mức độ nguy hại. Chỉ dựa vào cảm nhận bằng các giác quan thì ai cũng biết TP này luôn ở trong tình trạng ô nhiễm nặng.
Thu Phương – thoibao.de (Tổng hợp)