Link Video: https://youtu.be/kcNsKbh04AM
BBC Tiếng Việt ngày 17/3 loan tin “Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh truy nã để bắt Tổng thống Vladimir Putin”.
BBC cho biết, lệnh bắt giữ này được đưa ra cùng với cáo buộc về việc ông Putin phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc bắt nhiều trẻ em từ Ukraine đưa về Nga. Những tội ác này đã xảy ra ở Ukraine ít nhất là từ ngày 24/2/2022, khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện, và vẫn còn diễn ra cho đến bây giờ.
Về phía Nga, BBC cho hay, Moscow đã bác bỏ cáo buộc về tội ác chiến tranh trong cuộc xâm lược. Họ cũng không che dấu việc họ đã đưa trẻ em từ các vùng Nga chiếm đóng của Ukraine về Liên bang Nga, nhưng nói đó là hành động “nhân đạo“. Họ cũng từng nói rằng, những người dân Ukraine ở phía Đông “chính là người Nga“, nhưng cùng lúc đó vẫn bắn phá từ xa, giết hại nhiều thường dân Ukraine.
Tất nhiên, thế giới không có ai lại ngây thơ tin vào cái “nhân đạo” này của Nga.
Phía Ukraine, theo BBC, từ lâu đã lên tiếng tố cáo Nga “cướp dân” của họ, bằng cách bắt người Ukraine ở phía Đông phải chuyển về Liên bang Nga. Mà việc trục xuất cưỡng bức thường dân trong xung đột, là một tội ác chiến tranh, theo Công ước chống Diệt chủng năm 1948.
BBC dẫn tin từ Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nói rằng, ông Putin có liên quan đến việc trục xuất trẻ em và nói rằng, họ có cơ sở hợp lý để tin rằng, ông ta đã trực tiếp thực hiện các hành vi cũng như hợp tác với những người khác. Công tố viên của ICC, ông Karim Khan từng có chuyến đi điều tra tội ác chiến tranh ở Ukraine và trở về sau khi một cuộc điều tra chính thức được mở một năm trước.
BBC dẫn lời ông Khan cho hay, trong thời gian tới Ukraine, ông chú ý tìm các bằng chứng về tội ác nhắm vào trẻ em và việc cố ý tàn phá các mục tiêu dân sự.
Không chỉ có ông Putin mà cả Ủy viên quyền trẻ em của Nga, bà Maria Lvova-Belova, cũng bị ICC truy nã, BBC cho hay.
Cũng theo BBC, Tòa ICC không có quyền bắt giữ các nghi phạm và chỉ có thể thực thi quyền tài phán trong các quốc gia đã ký kết thỏa thuận thành lập Tòa án này. Nga không phải là bên ký kết thỏa thuận đó.
Mặt khác, BBC cho biết, từ tháng 6/2022, các luật sư quốc tế đã bắt đầu tìm hiểu về các báo buộc trẻ em Ukraine bị quân Nga bắt về Nga. Ukraine cũng có cuộc điều tra riêng và theo Trưởng Công tố Iryna Venediktova, người giám sát các cuộc điều tra về tội ác chiến tranh của quân Nga thì họ thấy có ít nhất 20 vụ “bắt đi cưỡng bức” với công dân Ukraine, kể từ khi cuộc xâm lăng bắt đầu ngày 24/2 cho đến tháng 6/2022.
Theo Reuters, các nhà vận động nhân quyền Ukraine, từ giữa năm ngoái đã nói, có 1,2 triệu người Ukraine bị cưỡng bức phải về sống ở Nga, gồm 210 nghìn trẻ em.
BBC cho biết, nước Nga không hề phủ nhận các con số này, chỉ nói là họ “tự nguyện sang Nga“.
Thông tấn xã Nga (TASS) từng đưa tin rằng, từ tháng 2 đến tháng 6/2022, “hơn 1,55 triệu người từ Ukraine và Donbas đã qua biên giới, vào Liên bang Nga, gồm 254 nghìn trẻ em“.
BBC dẫn số liệu thống kê từ Liên Hiệp Quốc cho thấy, chỉ từ đầu cuộc xâm lăng của Nga đến cuối tháng 3/2022, hơn 1,5 triệu trẻ em đã phải rời Ukraine. Số trẻ em bị mất nhà do bạo lực lan rộng ở nhiều nơi còn lớn hơn thế.
Cuộc chiến xâm lược toàn Ukraine được Nga phát động vào ngày 24/2/2022. Chiến dịch xâm lược này bắt đầu bắt đầu sau một thời gian tập trung lực lượng cùng sự công nhận của Nga đối với hai vùng ly khai của Ukraine là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk. Sau đó, Lực lượng vũ trang của Nga đã tiến vào khu vực Donbas ở Đông Ukraine.
Cuộc xâm lược này đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, nhiều lệnh trừng phạt được áp đặt lên Nga, và một Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi nước này rút quân, trong khi các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh đã diễn ra hàng loạt tại Nga cùng nhiều nước khác.
Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Một công dân Việt Nam bị Mỹ truy nã, với cáo buộc rửa tiền 3 tỷ đô la.
>>> Cơ chế song trùng rối rắm của Đảng và Chính phủ
>>> Người Việt đem theo thói quen tiểu nông vào nghề nail ở Mỹ
Những cách mà FBI có thể làm để bắt giữ Nguyễn Minh Quốc