Vì sao báo chí Việt Nam né, không gọi Quan Kế Huy là “gốc Việt”?

Link Video: https://youtu.be/JH2Npi2WAIw

Sự kiện nam tài tử Quan Kế Huy đoạt giải Oscar vào ngày 13/3 vừa qua đã làm dấy lên tranh cãi về nguồn gốc xuất thân của diễn viên này.

Đa số các trang báo Việt Nam nói rằng, ông là người “gốc Hoa”, hoặc “gốc Á”, né tránh “gốc thuyền nhân tị nạn” và lờ tịt phát biểu của Quan Kế Huy:

Hành trình của tôi bắt đầu trên một con thuyền, tôi đã trải qua một năm trong trại tị nạn, và theo một cách nào đó, tôi đã đứng đây, trên sân khấu lớn nhất của Hollywood…” Hành trình này xuất phát từ Việt Nam.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ nước Úc thì, “những tranh cãi về ‘Người Mỹ gốc Việt’ và ‘Người Mỹ gốc Hoa’ không thể làm lu mờ sự thật: anh ấy là người tị nạn từ Việt Nam“, BBC Tiếng Việt cho hay ngày 15/3.

Được biết, Quan Kế Huy sinh năm 1971 tại Chợ Lớn, Sài Gòn, trong một gia đình người Việt gốc Hoa và đã cùng gia đình vượt biên vào năm 1978.

BBC cho biết, truyền thông nước ngoài như Nikkei Asia… gọi Quan Kế Huy là “Vietnam-born” tức sinh tại Việt Nam. Như vậy, có thể thấy, việc gọi Quan Kế Huy là “gốc Việt” dường như không có vấn đề gì.

VnExpress, Tuổi Trẻ, hay Báo Mới đều nói nam diễn viên “sinh ra” tại Việt Nam hoặc “thuộc gia đình người Hoa ở Việt Nam”.

BBC cho rằng, có vẻ như nhiều báo Việt Nam đã hiểu lầm khái niệm “Chinese” khi dịch các trang tiếng Anh nói về gốc gác gia đình Quan Kế Huy. Việc cha của ông là “Chinese” ở Việt Nam trước 1975 không có nghĩa ông là người dân nước Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), vì Việt Nam Cộng Hòa không hề chấp nhận công dân CHND Trung Hoa sinh sống trên lãnh thổ của mình. Thậm chí, khá đông người Hoa ở Nam Việt Nam ủng hộ Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc) và đa số họ là người di dân chạy khỏi Trung Quốc vì chiến tranh.

Vẫn theo BBC, hiện nay chỉ còn số ít trang báo như VTC…đề cập Quan Kế Huy là “gốc Việt”.

Hình: Bài trên BBC

BBC dẫn bình luận của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, một thuyền nhân Việt Nam, từ Đại học New South Wales Úc, nhận xét:

Theo tôi thấy thì động thái của báo chí Việt Nam là đáng tiếc. Động thái của báo chí Việt Nam liên quan đến Quan Kế Huy rất khác với trường hợp ca sĩ Sangeeta Kaur (Mai Xuân Loan), người mới được trao giải thưởng âm nhạc Grammy danh giá. Báo chí Việt Nam có vẻ rất tự hào về cô ấy như là một “người gốc Việt”. Cha mẹ cô ấy là người Việt tị nạn, và cô ấy sanh ra và lớn lên ở Mỹ.”

Giáo sư Tuấn nhận định, có sự khác biệt như vậy là vì diễn viên Quan Kế Huy đã nhắc đến thân phận tị nạn của mình trước thế giới.

Câu chuyện thuyền nhân tị nạn vào thập niên 1970 và 1980 là một chương sử lớn và tang thương của dân tộc. Gần đây, chính phủ Việt Nam kêu gọi mấy người làm phim ở Nam Hàn là hãy tôn trọng lịch sử. Tôi thiết nghĩ nếu mình kêu gọi người ngoài tôn trọng lịch sử thì mình trước tiên hãy tôn trọng lịch sử của nước mình.”

Cuộc đời và sự nghiệp của Quan Kế Huy là khá tiêu biểu của những người đi tìm “Giấc mơ Mỹ”. Đó là giấc mơ được sống trong một xã hội tôn trọng các giá trị như dân chủ, nhân quyền, tự do và bình đẳng; là môi trường mà trong đó, mọi người – bất kể xuất thân từ thành phần nào – đều có thể thành công, có cuộc sống tốt đẹp hơn, đầy đủ hơn, thịnh vượng hơn qua làm việc chăm chỉ.”

Giáo sư Tuấn cho rằng: “Sự thật là báo chí phương Tây vẫn ghi anh ấy là một diễn viên Mỹ gốc Việt (“Vietnamese-born American actor”) có cha mẹ gốc Hoa. Anh ấy sinh ở Sài Gòn vào năm 1971, và chắc từng mang quốc tịch Việt Nam trước khi vượt biên tìm tự do. Anh ấy mang một cái tên rất Việt: Huy. Anh ấy nói tiếng Việt. Khi sang Mỹ, gia đình anh ấy sống trong khu đông người tị nạn gốc Việt. Do đó, cách báo chí Mỹ và phương Tây đề cập đến anh ấy như là một diễn viên Mỹ gốc Việt theo tôi là bình thường“.

Sau biến cố lịch sử đau buồn 30/4/1975, rất nhiều người miền Nam đã chọn cách ra đi để tìm tự do. Những người gốc Hoa ra đi còn vì một lý do nữa, đó là họ bị chính quyền Việt Nam Cộng sản xua đuổi, ép buộc phải trở về Trung Quốc, do những mâu thuẫn giữa Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Trung Quốc vào giai đoạn trước Chiến tranh Biên giới 1979. Hàng trăm ngàn người Việt gốc Hoa, hoặc chọn ra đi, hoặc bị trả về Trung Quốc.

Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)


>>> Phạm Minh Chính không biết người, không biết ta, Đảng trăm trận trăm bại

>>> Thủ tướng Chính nắm quân đông, Tổng Trọng nắm tinh binh. Chiến nhau sẽ ra sao?

>>> Báo động! Chính quyền tỉnh Bình Định đang dựng Formosa thứ nhì

Đảng tổ chức thi viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng