Vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là vụ án lớn. Bà Nhàn là mắt xích quan trọng trong đường dây thông thầu trong nước và cả đường dây buôn bán vũ khí với thế lực Israel. Vụ án chính trị nhưng đang khoác lên mình chiếc áo kinh tế. Điều đáng chú ý là, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là phụ nữ nhưng đứng trung gian nối kết giữa 2 cơ quan tình báo, quả là không đơn giản.
Vụ án AIC của bà Nhàn dính đến Tổng Cục 2 Bộ Quốc phòng, dính đến nhóm lợi ích nắm quyền chi tiêu quốc phòng. Với ngân sách hằng năm 7,7 tỷ đô la Mỹ, Bộ Quốc phòng là nơi mà các nhóm trong Tứ Trụ đấu đá nhau để giành quyền kiểm soát. Và do đó, bắt được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn giúp phe Trọng – Huệ – Tô giải quyết nhiều vấn đề trên bàn cờ chính trị.
Vụ án AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với Bệnh viện Đa Khoa Đồng Nai đã đưa ra xét xử. Điều quan trọng trong phiên tòa này không phải là bản án cho các bị cáo, mà là hành động của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Bà Nhàn bị kết án vắng mặt, 30 năm tù giam. Một mức án có thể xem là rất nặng. Tuy nhiên, phản ứng của bà Nhàn với phiên tòa mới là điều đáng nói. Đấy là bà Nhàn ở từ xa vạn dặm đã điều khiển luật sư bào chữa nộp đơn kháng án cho bà.
Hành động này của Bà Nhàn, hoặc là dại dột, hoặc là rất bản lĩnh. Vì sao nói là dại dột? Vì hành động liên hệ với luật sư để kháng cáo, bà Nhàn đã vô tình hay cố ý để ông Tô Lâm biết được đầu mối có kết nối với bà. Thường thì một bị cáo đang trốn truy nã mà để lộ đầu mối như thế này là rất nguy hiểm. Biết đâu, từ đầu mối này ông Tô Lâm lần ra được nơi ở của bà Nhàn thì sao? Nếu bà Nhàn bị lần ra nơi ở vì lý do này, thì ắt hẳn hành động nhờ luật sư kháng cáo kia là hành động dại dột.
Còn ngược lại, nếu bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cố ý để lộ đầu mối liên kết mà ông Tô Lâm vẫn bất lực, không làm gì được, thì đấy chính là bản lĩnh. Và cho tới bây giờ, có vẻ như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn rất tự tin với nơi ẩn náu của mình, nên không ngần ngại thò tay “nhổ ria mép” con hùm dữ Tô Lâm, để ông Tô nổi điên lên, còn bà thì “cười khúc khích”.
Ông Tô Lâm là một ông Bộ trưởng Bộ Công an manh động nhất trong các đời bộ trưởng. Ông từng bố trí bắt cóc người nhiều lần, mà chấn động nhất là vụ tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh giữa Berlin, đem về giao cho ông Tổng Bí thư. Với vụ bắt cóc này, ông Tô Lâm bị Âu châu liệt vào hàng tội phạm. Tuy nhiên, nó cũng đem lại lợi ích cho ông Tô Lâm. Với thành tích này, cho thấy, ông Tô Lâm thuộc hàng “có số má” trong giới võ tướng ở chính trường Việt Nam.
Tối ngày 17/3, ông Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho truyền thông biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố 5 bị can, sau khi mở rộng điều tra vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC) và các đơn vị có liên quan. Trong đợt khởi tố này có ông Nguyễn Anh Dũng, anh trai bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC, và 4 giám đốc doanh nghiệp khác, với cáo buộc vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Đây là đòn đánh quen thuộc của Bộ Công an, tóm không được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì tấn công mạnh vào người thân của bà. Đây là đòn tâm lý, vừa mở rộng vụ án, vừa ép bà Nhàn phải lộ diện. Tuy nhiên, đến nước này thì xem như bà Nhà đã lỡ “leo lưng cọp”, không thể xuống. Bà Nhàn không thể đầu thú, vì đầu thú là gia đình bà sụp đổ và làm sụp đổ luôn nhóm lợi ích lớn trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Vẫn phải bám lưng cọp, và ung dung “nhổ ria mép cọp”, để chọc cho cọp dữ điên lên mà xem. Đấy là cách khả dĩ nhất hiện nay.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://thanhnien.vn/khoi-to-anh-trai-cuu-chu-tich-aic-nguyen-thi-thanh-nhan-18523031720242152.htm