Link Video: https://youtu.be/cO3cHds85iQ
Ngày 4/4, truyền thông nhà nước loan tin, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 54 bị can, gồm nhiều quan chức cấp cao trong vụ “chuyến bay giải cứu”.
Theo đó, cựu lãnh đạo Công an Hà Nội, hai thứ trưởng ngành ngoại giao cùng trợ lý Phó Thủ tướng, thư ký Bộ trưởng Bộ Y tế bị cáo buộc nhận hàng chục tỉ đồng tiền hối lộ và “chạy án”. Hàng chục bị can này bị đề nghị truy tố theo các tội “nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ và chiếm đoạt tài sản”.
Báo Pháp luật đưa tin, nguyên Phó Giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, bị đề nghị truy tố về tội “môi giới hối lộ” với cáo buộc đã nhận tiền của các cá nhân để “chạy án” với số tiền 2,65 triệu USD, chỉ trong năm 2022.
Theo báo Pháp luật, “quá trình điều tra, bị can Nguyễn Anh Tuấn thành khẩn khai báo hành vi của bản thân và các cá nhân có liên quan, góp phần giúp Cơ quan an ninh điều tra làm rõ nhiều tình tiết của vụ án. Ngoài ra, gia đình bị can đã nộp khắc phục 460.000 USD”.
Hai cựu thứ trưởng ngoại giao là Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam bị truy tố tội “nhận hối lộ”. Ông Tô Anh Dũng bị cáo buộc đã nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng, còn ông Vũ Hồng Nam bị cáo buộc trong quá trình làm Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, đã nhận hối lộ 60.000 USD và 450 triệu đồng để giúp đưa công nhân từ Nhật Bản về Việt Nam.
Cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên là ông Phạm Trung Kiên, bị cáo buộc “nhận hối lộ số tiền lớn nhất” với số tiền là 42,6 tỉ đồng.
Bên cạnh có, theo truyền thông nhà nước, hàng chục cựu lãnh đạo cấp cục, vụ và cán bộ của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ, Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an, Ban Đối ngoại Trung ương… và của khoảng 10 cơ quan nhà nước từ cấp bộ ngành đến chính quyền địa phương cũng bị đề nghị truy tố.
Nhóm bị can bị truy tố tội “môi giới hối lộ” gồm Bùi Huy Hoàng, chuyên viên Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế; Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần xúc tiến thương mại và du lịch Việt Nam; Phạm Thị Kim Ngân, cán bộ phòng trị sự, Tạp chí Thanh tra, Thanh tra Chính phủ.
Nhóm bị can bị đề nghị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ“, gồm Trần Việt Thái, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia và Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.
Diễn biến của vụ “chuyến bay giải cứu” xảy ra trong giai đoạn từ cuối năm 2020 và năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều quốc gia, hàng trăm ngàn người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu trở về quê hương để tránh dịch. Việt Nam đã tổ chức gần 2.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 người dân từ 60 quốc gia về nước.
Khi đó, chính quyền Việt Nam lớn tiếng hô hào về hành động anh hùng của những phi hành đoàn “bay thẳng vào tâm dịch”, tuyên truyền rằng đây là những chuyến bay nhân đạo, là hành động “bảo hộ công dân” của chính quyền.
Tuy nhiên, thực tế lại phũ phàng, bởi lên được những chuyến bay này thì chi phí “không hề rẻ” và thủ tục không hề dễ dàng. Hàng trăm ngàn người phải xếp hàng, phải mòn mỏi chờ đợi… Muốn có tấm vé, ngoài tiền vé ngất ngưởng, rất nhiều người còn phải vận dụng đủ các mối quan hệ.
Ngay từ đầu năm 2021 đã có rất nhiều phản ánh, phàn nàn trên mạng xã hội về tình trạng này. Trong một cuộc họp báo vào tháng 1/2022, khi báo chí đặt câu hỏi với nghi vấn có trục lợi từ các chuyến bay giải cứu. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, đã khẳng định: “Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật“.
Như vậy, không thể nói giới lãnh đạo không biết gì về vụ này, nhưng tại sao họ vẫn làm lơ để vụ việc kéo dài, đến tận tháng 1/2022 mới khởi tố vụ án?
Hoàng Anh – thoibao.de
>>> Lò cụ Tổng có triệt để chống được tham nhũng?
>>> Hà Nội sẽ xử kín nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng
>>> Nhóm người Việt bị bắt ở Hàn Quốc vì tiêu thụ đồ gian
Một đường dây buôn ma túy lớn người Việt bị bắt tại Pháp