Tư pháp như “sát thủ”! Vụ án oan Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn có thể tái diễn.

Mới đây, báo chí đăng tải vụ án một người 3 lần bị tuyên tử hình, đã kêu oan suốt 10 năm. Người này tên là Vi Văn Phượng, quê Bắc Giang. Ông Phượng đã 3 lần bị tuyên án tử hình, với cáo buộc giết mẹ đẻ vì mâu thuẫn vay 1,5 chỉ vàng, hôm nay tiếp tục được tòa phúc thẩm xét kháng cáo kêu oan.

Theo cáo trạng thì cuối năm 2009, vợ chồng ông Phượng vay mẹ đôi hoa tai vàng 1,5 chỉ, để lo cho con đi xuất khẩu lao động. Năm 2011, khi con trai ông trở về, thì vợ ông Phượng tiếp tục đi xuất khẩu lao động. Tháng 9/2012, vợ ông bắt đầu gửi tiền về. Đầu tháng 10/2012, ông Phượng trả lại vàng nhưng mẹ ông nghi ngờ hàng giả. Hai người to tiếng cãi nhau. Hôm sau, khi đi làm thuê về vào buổi trưa, ông Phượng đã cầm dao đoạt mạng người mẹ đang nằm trên giường, theo tình tiết nêu trong bản án.

Bản cáo trạng là kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra. Mà Công an Cộng sản thì nổi tiếng với bức cung nhục hình, để nhanh kết thúc vụ án, tạo thành tích. Vụ án Hồ Duy Hải là điển hình của loại điều tra ép cung. Cảnh sát điều tra ngụy tạo chứng cứ để ép chết một người chưa có đủ bằng chứng kết tội. Với loại chứng cứ mua ngoài chợ về, nhưng vẫn được 3 phiên tòa chấp nhận. Đỉnh điểm của vụ án là phiên Giám đốc thẩm, với ông Nguyễn Hòa Bình làm Chánh án. Ông này toa rập với cơ quan điều tra, chấp nhận vật chứng mua ngoài chợ để xử án Hồ Duy Hải.

Đấy là hình ảnh nền tư pháp nát của Việt Nam. Một bộ máy tư pháp cồng kềnh, nhưng lại tạo ra những vụ án oan kinh thiên động địa.

Trở lại vụ án ông Vi Văn Phượng, đã hai lần xét xử sơ và phúc thẩm năm 2013, bị kết án tử hình về tội giết người, nhưng ông Phượng đều kêu oan, khẳng định không giết mẹ. Ba năm sau, ngày 30/8/2016 Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Nền tư pháp như “sát thủ”

Kết quả điều tra cuối năm 2016 chỉ ra 7 thiếu sót, mâu thuẫn cần điều tra lại. Bao gồm: Thời gian gây án của bị cáo và thời gian chết của bà Vui còn mâu thuẫn; vết máu ở hiện trường chưa được làm rõ; chiếc áo phông dính máu nạn nhân thu tại hiện trường chưa chắc là chiếc áo Phượng mặc hôm đó; động cơ giết người cần điều tra lại…

Cho rằng, việc kết tội là có cơ sở, trong phiên sơ thẩm lần hai mở tháng 8/2019, Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang lần thứ 3 tuyên án tử hình đối với ông Phượng.

Ông Phượng khẳng định, sẽ “trường kỳ chống án”.

Còn nhớ, cách đây nhiều năm, có 2 vụ án oan chấn động, đó là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn và ông Huỳnh Văn Nén. Ông Nguyễn Thanh Chấn quê Bắc Giang, đã bị kết án chung thân về tội giết người. Ông chỉ được trả tự do vào tháng 11/2013, sau khi hung thủ thực sự của vụ án ra đầu thú. Tính đến thời điểm đó, ông Chấn đã phải ngồi tù hơn 10 năm. Trong suốt 10 năm đó, ông Chấn liên tục kêu oan, và cho rằng, kết quả điều tra chưa đủ chứng cứ kết tội. Dù vậy, ông vẫn bị bộ máy tố tụng ép uổng. Nếu hung thủ không đầu thú, có lẽ ông đã chết trong tù.

Trường hợp của ông Huỳnh Văn Nén cũng tương tự như ông Nguyễn Thanh Chấn. Ông cũng bị oan và bị cả hệ thống tố tụng ép buộc, chỉ nhờ hung thủ đầu thú ông mới được giải thoát. Bộ máy tư pháp Việt Nam bao lâu nay vẫn thế. Mặc dù qua bao nhiêu lần cải cách tư pháp, nhưng nó vẫn đóng vai trò “sát thủ” ép chết không biết bao nhiêu người vô tội, nhưng thấp cổ bé họng.

Lại thêm vụ kêu oan ròng rã hàng chục năm

Ở các nước dân chủ, người ta dùng tư pháp độc lập để tạo ra công lý. Chỉ có tư pháp độc lập mới làm được điều ấy, bởi tư pháp độc lập không bị quyền lực của hành pháp thao túng. Và nhờ đó, họ xét xử quan to như thứ dân. Tại Hàn Quốc, cựu Tổng Thống Park Geun-hye vẫn bị truất phế cho vào tù, mặc dù lúc đó bà đang đương chức. Chính vì thế mà Hàn Quốc phát triển, còn Việt Nam, ngành tư pháp rất nguy hiểm.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://vnexpress.net/10-nam-keu-oan-cua-nguoi-3-lan-bi-tuyen-tu-hinh-4608048.html