Link Video: https://youtu.be/J9DWtyNBmB4
Ngày 26/5, RFA Tiếng Việt có bài “Sách của ông Trọng: “Lạc đề đối với người dân”!”
Theo đó, trong những cuối tháng 5/2023, báo chí do nhà nước Việt Nam kiểm soát ra sức tuyên truyền về hai cuốn sách của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có tựa đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa Xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam” và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
RFA dẫn báo chí nhà nước nhận xét rằng, các cuốn sách của ông Tổng Bí thư “Củng cố niềm tin của nhân dân”.
RFA dẫn lời Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nhận định về những cuốn sách trên:
“Báo chí cho rằng sách của ông Trọng nhằm để cũng cố niềm tin nhân dân, tức là họ thừa nhận niềm tin của người dân lung lay từ lâu.”
Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nếu những giai cấp nghèo khổ nhất nằm trong cuốn sách tâm huyết của ông Nguyễn Phú Trọng, thì người dân mới quan tâm. Chứ còn cuốn sách chỉ nhằm nói về vấn đề chống tham nhũng, trong khi những vấn đề suy trầm kinh tế, đời sống người dân hiện nay đang rất khó khăn thì không được đề cập đến, vậy theo ông Già, những cuốn sách như thế hoàn toàn là “lạc đề đối với người dân”.
RFA cũng dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy, cho rằng, là một người đứng đầu Đảng Cộng sản, được cho là nổi tiếng về lý luận, đã đến tuổi phải về nghỉ, việc các trang báo ra sức đánh bóng hai cuốn sách như là một cách ghi nhận “di sản của ông”, và cũng để báo trước về ngày ông sắp rời khỏi chức vụ
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, lý luận về Chủ nghĩa Xã hội, đi cùng với nó là Chủ nghĩa Cộng sản, cũng đã được các học giả châu Âu mổ xẻ rất nhiều, đến nỗi, giờ đây hầu như không còn ai muốn nhắc về nó nữa. Cho nên, theo ông Vũ, cả về mặt thực tiễn và về mặt lý luận, các cuốn sách của ông Tổng Bí thư hầu như không có một đóng góp đáng kể nào.
Với cuốn sách thứ hai của ông Trọng có tựa “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, cuốn này ngay cả ở tựa đề đã như là một lời hiệu triệu nặng tính tuyên truyền. Tiến sĩ Vũ cho rằng, ở Việt Nam, tham nhũng càng ngày càng tràn lan, càng phức tạp và phổ biến, như vậy, việc chống tham nhũng là hoàn toàn thất bại, không có gì đáng để chia sẻ.
Về mặt lý luận, theo ông Vũ, việc chống tham nhũng từ lâu đã được các nước chống tham nhũng thành công đúc kết thành những nguyên tắc nhất định. Đó là: 1. Đảng cầm quyền phải trong sạch; 2. Giới lãnh đạo cầm quyền có quyết tâm chống tham nhũng; 3. Phải có một cơ chế giám sát độc lập để tránh việc bao che cho tham nhũng.
Như vậy, cả về mặt kinh nghiệm thực tế và lý luận, thì theo Tiến sĩ Vũ, chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam không có gì gọi là mới hay đặc sắc để mà có thể chia sẻ thành kinh nghiệm riêng.
Tóm lại, ông Vũ cho rằng, việc giới thiệu hai cuốn sách của ông Tổng Bí thư như là một cách đánh bóng hình ảnh về một vị lãnh tụ Đảng Cộng sản sắp từ giã chính trường, hơn là đưa ra những kinh nghiệm hay chia sẻ kiến thức hữu ích, nhằm đóng góp vào kiến thức học thuật chính trị, hay cách điều hành quốc gia.
Về việc 1 trong 2 cuốn sách của ông Trọng được dịch ra 7 ngôn ngữ, RFA dẫn lời Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già cho rằng, độc giả của các quốc gia đó chắc cũng sẽ cười thôi, vì họ chẳng biết nó là gì? Ông Già cho rằng đây là sự lãng phí.
Ngoài việc lãng phí, vị nhà báo kỳ cựu này cũng cho rằng, việc tuyên truyền rầm rộ các cuốn sách của ông Trọng cũng chẳng thu hút được độc giả.
Trên thực tế, không chỉ riêng sách của ông Trọng, mà tất cả các sách của những người lãnh đạo Cộng sản viết, độc giả chẳng mấy ai quan tâm, nếu không bị bắt ép thì chẳng ai đọc.
Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Kiyv tước danh hiệu công dân danh dự của Trường Chinh
>>> Việt – Thái đối thoại về an ninh, không rõ có đề cập đến vụ bắt cóc Đường Văn Thái?
>>> Bi hài chuyện cơ chế “đặc thù” ở Việt Nam
Trí tuệ Việt cứ phải mượn nhờ xứ khác để bay cao