Link Video: https://youtu.be/viIl5dX_fAM
Báo Đất Việt ngày 22/6 có bài “Vì sao VinFast làm xe nhanh và… nhiều lỗi?” của tác giả Sonnie Tran.
Theo tác giả, để làm ra một dòng xe điện thì các hãng xe phải phát triển từ concept và RD (nghiên cứu và phát triển) platform xe. Quá trình này có thể mất từ 5 – 7 năm tùy dòng xe. Hoặc đôi khi, có những dòng xe phải qua hai, ba dòng xe thử nghiệm mới thành hình. Ví dụ, để hoàn thiện dòng xe điện i4 mới hiện nay, thì BMW đã phải mất hơn 10 năm để phát triển qua các dòng xe z4 (mẫu thử nghiệm trong hãng), BMW i3 (dòng xe nhỏ), BMW i8 (siêu xe hybrid nổi tiếng) chứ không hẳn là một phát có ngay.
Tác giả cho biết, Tesla cũng tương tự, trước khi sản xuất con Roadster đầu tiên, Tesla cũng thử nghiệm với nhiều dòng xe như Toyota RAV4 Full EV, cải huấn từ khung gầm Lotus Elise (thử nghiệm nhưng đã bỏ).
Và thành quả là số lượng xe sản xuất rất nhanh, như BMW đã bán được hơn 500.000 xe BEV (không tính hybrid).
Trong khi đó, tác giả so sánh, cách làm xe của VinFast là mua lại platform hay thiết kế của một dòng xe nhất định (sẽ rẻ hơn) để về đặt hàng và lắp ráp.
Tác giả phân tích, để giảm chi phí mua bản quyền, VinFast sẽ phải thuê một đơn vị hay studio bên ngoài, thiết kế lại ngoại thất và lập trình bên trong.
VinFast cũng cố gắng tự sản xuất một số thứ, như pin với VinES, trợ lý (VinAI), … cũng như có một đội ngũ lập trình người Việt (Vinsmart cũ + app Be + FPT) cho UX/UI xe và một số phần nhỏ, nhưng chủ yếu vẫn thuê bên khác làm.
Do để có giá thành rẻ, nên với mỗi dòng xe, VinFast lại mua một thiết kế khác nhau. Như vậy, mỗi dòng xe lại có khung khác nhau, linh kiện khác nhau. Điều này làm chi phí sản xuất tăng cao và kém linh hoạt.
Ngoài ra, tác giả cho biết, do thời gian làm sản phẩm quá ngắn. VinFast đã cắt hết gần như các giai đoạn phát triển kiểm nghiệm đã nói ở trên. Linh kiện thì do sản xuất không kịp và không đúng tiêu chuẩn, nên sai số lớn, linh kiện điện tử không đồng bộ, phần mềm lẫn phần cứng bị lỗi, nên xe lỗi hàng loạt, thân vỏ ọp ẹp, không khít.
Chưa kể, tác giả nhận xét, do thiếu kinh nghiệm cũng như thuê các studio thiếu kinh nghiệm làm toàn bộ xe, nên phát sinh những lỗi nền tảng, như thân xe VF8 nặng (2.4 – 2.5 tấn), nhưng lại dùng thiết kế không gian phuộc sau hành trình ngắn, nên xe khá xóc. Cách khắc phục chỉ có là thay phuộc hơi (mắc hơn nhiều), còn nếu không, đi lâu ngày, áp lực xe đè lên phuộc chịu không nổi, có ngày sẽ gãy khung xe.
Theo tác giả, cũng vì vội vàng nên thời gian đầu mà số lượng xe VFe34 và VF8 sản xuất rất ít. Không phải do thiếu chip như Phạm Nhật Vượng nói, vì các hãng khác vẫn sản xuất xe ra rần rần. Linh kiện sản xuất không kịp nên VinFast sử dụng những linh kiện nhập Tàu nên những lô xe e34 và VF8 mới chắp vá như vậy.
Có thể thấy, tác giả nhận xét, cách làm của VinFast được lợi điểm là làm rất nhanh. Nhưng lại chắp vá, vội vàng và xe không đủ thời gian qua kiểm nghiệm đến khi ổn định. Đồng thời, tưởng rẻ nhưng thực tế nó lại làm chi phí sản xuất tăng lên và không có tính cạnh tranh.
Và đặc biệt là khả năng giảm chi phí sản xuất là rất khó. Đó là vì sao mà VinFast càng sản xuất nhiều càng lỗ, vì để tính lợi nhuận còn phải tính tới chi phí vận hành nhà máy.
Theo tác giả, để có lợi nhuận, VinFast cần sản xuất số lượng xe thật nhiều để giảm chi phí linh kiện. Nếu tự làm nghiên cứu – phát triển như Tesla, thì tối thiểu phải 1 triệu xe/năm mới hòa vốn. Còn kiểu làm như VinFast thì phải hơn con số đó, có thể lên tới 4 – 5 triệu xe/năm thì mới có lợi nhuận mỏng.
Như vậy, tác giả kết luận, VinFast phải làm cách nào đó để sản xuất và tiêu thụ ổn định, tối thiểu tầm 3 – 5 triệu xe/năm mới có thể có lợi nhuận. Cho nên, nói thật là, nếu VinFast chiếm 100% thị trường Việt Nam thì cũng chẳng có lời nổi.
Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Báo chí Cách mạng Việt Nam ngày càng bị kiểm soát chặt hơn
>>> Nguy cơ đối với người Thượng đang tị nạn tại Thái Lan
>>> Xã hội biết tiếp nhận chỉ trích mới có khả năng giải quyết vấn đề
>>> Lãnh đạo có tự hỏi, vì sao nông dân Thái lại giàu hơn nông dân Việt?
Người thiểu số bị cô lập