Chỉ có Ba Đình mới cứu được Nguyễn Văn Chưởng

Link Youtube: https://youtu.be/1OkZFt-Bv-8

Ngày 10/8, Facebook cá nhân Manh Dang của Luật sư Đặng Đình Mạnh có bài “Chỉ Ba Đình, chứ không phải pháp đình, cứu được Nguyễn Văn Chưởng”.

Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Thượng tuần tháng 08/2023, công chúng xôn xao trước thông tin ông Nguyễn Văn Chưởng sắp bị cơ quan chức năng đưa ra thi hành bản án tử hình về tội danh giết người. Dịp này, nhiều người chia sẻ ảnh chụp ý kiến của ông Nguyễn Văn Hiện thuộc Ủy ban Tư pháp Quốc hội trên trang truyền thông chính thức trong nước từ năm 2015, với tựa đề “Vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng hết đường kháng nghị”. 

Từ tựa báo, nhiều người đã nhầm tưởng rằng, mọi thủ tục tố tụng đối với ông Nguyễn Văn Chưởng đã “hết đường”, không còn thủ tục nào cứu ông ấy, cho dù ông ấy có bị kết án tử hình oan.

Trước khi nói về sự hiểu nhầm, rằng thủ tục đối với ông Nguyễn có thật “hết đường” hay không? Thì chúng ta trả lời trước cho câu hỏi: Ông Nguyễn Văn Chưởng có oan không? 

Thực tế, không ai trong chúng ta, kể cả thẩm phán, công tố tiên, điều tra viên thuộc các cơ quan tố tụng đã từng tham gia vụ án, có thể trả lời đích xác câu hỏi ấy, theo đúng sự thật vốn đã từng diễn ra. Đơn giản, vì chẳng có ai là người từng tận mắt chứng kiến trực tiếp sự việc để mà biết cả.

Phán quyết của tòa án tuyên một người có tội, chỉ là sự thật được xét đoán dựa trên quá trình điều tra, xét xử, và tin rằng đó là sự thật mà thôi. Sự thật mà tòa án tin và sự thật vốn như nó đã từng diễn ra, không phải lúc nào cũng trùng khớp với nhau.

Hình: Ba con hươu kêu oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng

Thậm chí, trong hồ sơ vụ án kết tội ông Nguyễn Văn Chưởng, đã từng có ít nhất đến ba “sự thật”.

  1. Sự thật mà công chúng muốn tin là ông Nguyễn Văn Chưởng vô tội. Họ căn cứ vào lời khai có chứng cứ ngoại phạm từ em trai ông ấy, tên là Nguyễn Trọng Đoàn.
  2. Sự thật mà tòa án các cấp đã tuyên xử ông Nguyễn Văn Chưởng có tội, phải chịu hình phạt tử hình.
  3. Sự thật mà đoàn giám sát thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, ông Nguyễn Văn Chưởng có tội, nhưng không phải là người chủ mưu, không có hành vi giết người, nên không thể chịu hình phạt ở mức cao nhất là tử hình được.

Trong đó, điều đáng lưu ý khi mà trên cùng một hồ sơ vụ án, nhưng sự đánh giá của các cấp tòa và của đoàn giám sát thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự khác biệt nhau rất xa. Nhưng tựu trung, chính cơ quan chức năng thuộc Quốc hội cũng cho rằng, hình phạt tử hình đối với ông Nguyễn Văn Chưởng là không có cơ sở, không chính đáng và không thuyết phục.

Thế nên, công chúng lên tiếng đòi hoãn việc tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng là hoàn toàn có lý do chính đáng.

Với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi yêu cầu kích hoạt Điều 404, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ có thời hạn bốn tháng để mở phiên họp xem xét lại quyết định của chính mình. Trong phiên họp, thì Hội đồng Thẩm phán quyết định theo túc số 3/4.

Với Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khi kiến nghị kích hoạt Điều 404, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ có thời hạn 30 ngày để mở phiên họp thứ nhất xem xét, thảo luận về kiến nghị đó. Trong phiên họp, Hội đồng Thẩm phán quyết định theo túc số quá bán. Nếu nhất trí, họ sẽ có thời hạn bốn tháng để mở phiên họp thứ hai xem xét lại quyết định của chính mình. Và đương nhiên, trong phiên họp, thì Hội đồng Thẩm phán quyết định theo túc số 3/4.

Khi xem xét lại quyết định của chính mình, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có quyền:

– Giữ nguyên quyết định của chính mình, bác các yêu cầu, kiến nghị;

– Hoặc, hủy quyết định của chính minh, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật và quyết định về nội dung vụ án, xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, điều tra lại hoặc xét xử lại.

Như đã biết, quyết định xử tử một người là đến từ chính con người, mà con người thì không hoàn hảo và có thể có sai lầm. Do đó, nếu một quốc gia tôn trọng sinh mạng người dân, thì luật pháp phải luôn luôn dự liệu sẵn quy định để sửa sai. Nếu luật pháp của một quốc gia không dự liệu sẵn quy định sửa sai, chứng tỏ quốc gia đó xem sinh mạng người dân như cỏ rác mà thôi.

Tuy vậy, tại Việt Nam, bên cạnh luật pháp, thì công chúng đã từng chứng kiến tiền lệ hoãn thi hành án tử hình trong vụ án Hồ Duy Hải, bằng sự can thiệp của một Chủ tịch nước. Điều đó có thể lặp lại lần nữa với vụ án Nguyễn Văn Chưởng mà bất chấp có quy định luật pháp hay không. Điều cần là họ có quyết định thực hiện hay không mà thôi.

Mà quyết định đó, chỉ có ở Ba Đình chứ không phải ở pháp đình.

Thu Phương – thoibao.de

>>> “Báo chí Cách mạng” chiến đấu hết mình vì Đảng, nhưng im lặng trước việc tử hình oan

>>> Đức từ chối tất cả đơn xin dẫn độ về Việt Nam, sau vụ Trịnh Xuân Thanh

>>> Tình trạng “tiêu chuẩn kép” trong ngành tư pháp Việt Nam

>>> Hết “lùa gà” giờ Hoài Linh lại bẫy chim

Những bằng chứng oan sai trong vụ án Nguyễn Văn Chưởng