EU kêu gọi Việt Nam dừng thi hành án đối với Nguyễn Văn Chưởng

Link Youtube: https://youtu.be/hMXpJ5bnZk4

Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) ở Việt Nam hôm 10/8 đã ra tuyên bố kêu gọi nhà nước cộng sản Việt Nam, dừng việc thi hành án tử hình đối với ông Nguyễn Văn Chưởng. 

Tuyên bố này cũng được ít nhất 3 cơ quan ngoại giao bao gồm Canada, Vương quốc Anh và Balan ủng hộ.

Tuyên bố được đưa ra ít ngày sau khi cha mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng và hàng nghìn người khác gửi lời thỉnh cầu đến Chủ tịch nước Việt Nam xin tạm hoãn thi hành án tử hình của ông Chưởng. 

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phát ngôn chính thức nào từ vị nguyên thủ về vấn đề này. Báo VOA cho biết cho đến 11/8/2023, vẫn chưa có thông tin chính thống về tính mạng của ông Chưởng.

Bản tuyên bố được đăng trên trang Facebook chính thức của phái đoàn EU và được hơn 90 tổ chức, cá nhân lan tỏa qua chức năng “share”. 

Bên cạnh lời thúc giục Việt Nam dừng việc thi hành án tử hình ông Chưởng, 4 phái đoàn của EU, Canada, Na Uy và Anh cũng nhấn mạnh trong tuyên bố rằng họ “cực lực phản đối việc áp dụng hình phạt tử hình trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh”.

Trong quan điểm của liên minh gồm 27 nước châu Âu và 3 quốc gia ngoài khối, “đây là một hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và không bao giờ có thể biện minh được”.

EU và 3 nước nói thêm rằng họ “vận động Việt Nam hoãn thi hành tất cả các án tử hình” và họ “sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam” trên con đường tiến tới việc xóa bỏ hình phạt tử hình.

Bản tuyên bố của 4 phái đoàn chỉ ra rằng “ngày nay, hơn 2/3 các quốc gia trên thế giới đã trở thành những quốc gia bãi bỏ trong luật pháp hoặc trên thực tiễn, điều này khẳng định xu hướng toàn cầu ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình”. EU và 3 nước cho biết “sẽ tiếp tục tích cực nỗ lực để thúc đẩy xu hướng chung hướng tới loại bỏ hình phạt tử hình”.

Ba quốc gia không thuộc EU và khối của 27 nước châu Âu lưu ý trong tuyên bố chung gửi đến chính quyền Việt Nam rằng “Không có bằng chứng nào cho thấy hình phạt tử hình có tác dụng răn đe tội phạm hiệu quả hơn hình phạt tù. Hơn nữa, việc cải tạo với vai trò như một mục tiêu của luật hình sự hiện đại không thể thực hiện được bằng việc áp dụng hình phạt tử hình”.

Hình: Bản tuyên bố của EU trên Mạng Facebook

“Không những thế, bất kỳ sai sót nào – điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ hệ thống luật pháp nào – đều không thể đảo ngược”, EU và 3 nước nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Chưởng bị kết án tử hình vì bị quy là kẻ chủ mưu cầm đầu 2 đồng phạm khác gây ra vụ giết người cướp của hồi tháng 7/2007, làm chết thiếu tá cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Sinh thuộc công an Hải Phòng. Trong 16 năm qua, ông Chưởng và gia đình nhiều lần kêu oan nhưng các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam từ chối xem xét lại bản án.

Gia đình ông Nguyễn Văn Chưởng (40 tuổi) vào ngày 4/8 nhận được giấy báo từ Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng, thông báo cho gia đình chuẩn bị làm thủ tục nhận tro cốt, tử thi của người bị thi hành án tử hình trong vòng ba ngày. Tuy nhiên, gia đình ông Chưởng không nhận được bất cứ thông báo nào về việc thi hành án trong khi tử tù Nguyễn Văn Chưởng và gia đình suốt 15 năm qua liên tục kêu oan lên các cấp chính quyền.

Luật sư Lê Văn Hòa, người nắm rõ trường hợp của ông Nguyễn Văn Chưởng nói rằng nếu thi hành bản án tử hình của ông Chưởng sẽ là “sai lầm đặc biệt nghiêm trọng”, ảnh hưởng lớn đến niềm tin của dân vào Đảng, Nhà nước.

Báo VOA trích lời Luật sư Hòa, nêu ra các căn cứ cho thấy ông Chưởng bị “oan sai”.

Đó là: lời khai của các bị cáo và nhân chứng trong vụ án có nhiều mâu thuẫn; ông Chưởng có bằng chứng ngoại phạm là ở xa hiện trường vụ án khoảng 40 kilomet ở thời điểm xảy ra án mạng; có vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ hiện trường nên các dấu vết, vật chứng bị mất, bị xáo trộn; ảnh chụp và kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy ngoài vụ đâm chém lúc 21h ngày 14/7/2007, thiếu tá cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Sinh có thể đã bị tấn công ở địa điểm khác, bằng vũ khí khác trước đó; bản chất vụ án có thể là ông Sinh bị giết vì lý do khác chứ không phải vì bị cướp của.

 

Minh Vũ – Thoibao.de

>>> “Báo chí Cách mạng” chiến đấu hết mình vì Đảng, nhưng im lặng trước việc tử hình oan

>>> Đức từ chối tất cả đơn xin dẫn độ về Việt Nam, sau vụ Trịnh Xuân Thanh

>>> Tình trạng “tiêu chuẩn kép” trong ngành tư pháp Việt Nam

>>> Hết “lùa gà” giờ Hoài Linh lại bẫy chim

Những bằng chứng oan sai trong vụ án Nguyễn Văn Chưởng