Ở Hội nghị Trung ương 7 hồi giữa tháng 5, Đảng Cộng sản chỉ tổ chức trong 3 ngày. Tuy nhiên, ở Hội nghị Trung ương 8 lần này, Đảng dự tính tổ chức trong 7 ngày, từ ngày 2/10 đến ngày 8/10, hơn gấp đôi thời gian so với Hội nghị Trung ương 7. Điều này cho thấy, Đảng Cộng sản có nhiều vấn đề hơn cần giải quyết.
Khoảng giữa Hội nghị Trung ương 6 và 7 có 3 kỳ họp bất thường. Một lần họp để cách chức ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, đồng thời giới thiệu ông Trần Lưu Quang và Trần Hồng Hà thay thế. Một lần nữa là họp để cách chức ông Nguyễn Xuân Phúc. Và lần thứ 3 là họp để bầu ông Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước. Nhưng giữa Hội nghị Trung ương 7 và 8 không có kỳ họp bất thường nào, trong khi có nhiều vấn đề cần thiết, như việc chọn người thay thế ông Lê Văn Thành. Đảng Cộng sản vẫn chưa có động tĩnh gì về vấn đề này, và có thể, họ dồn việc vào kỳ Hội nghị Trung ương 8.
Mỗi nhiệm kỳ, Đảng Cộng sản chọn ra 200 ủy viên Trung ương. Nhiệm kỳ này có 18 ủy viên Bộ Chính trị, 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Ở tầng càng cao, quyền lực càng lớn, và đấu đá càng khốc liệt. Trong nửa nhiệm kỳ qua, rụng 2 ủy viên Bộ Chính trị, chiếm tỷ lệ 11%; rụng 11 ủy viên Trung ương Đảng, chiếm tỷ lệ 6,8%. Trong số 11 ủy viên Trung ương, có 2 người chết bí ẩn, là ông Lê Văn Thành – Phó Thủ tướng – chết vì bệnh lạ và ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương – chết vì rơi lầu. Ủy viên dự khuyết không rụng một ai, có lẽ, chiếc ghế ủy viên dự khuyết chưa phải là những ghế cần cạnh tranh khốc liệt, nên những người ngồi ghế này an toàn hơn.
Có thể, tại Hội nghị lần này, Trung ương Đảng sẽ đôn một số vị trí ủy viên dự khuyết lên thành ủy viên chính thức, và đôn một số vị trí ủy viên Trung ương Đảng lên ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời giới thiệu nhân sự cho bộ máy nhà nước ở một số vị trí đang trống, chẳng hạn như vị trí Phó Thủ tướng mà ông Lê Văn Thành để lại.
Vậy câu hỏi đặt ra là, ai sẽ được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và ai sẽ được giới thiệu thay ông Lê Văn Thành?
Hai nhân vật có khả năng vào Bộ Chính trị nhất hiện nay, là Nguyễn Trọng Nghĩa – Thượng tướng Quân đội, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – và ông Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng Chính phủ.
Ở nhiệm kỳ 2011 – 2016 cũng có bầu bổ sung người vào Bộ Chính trị, tại Hội nghị Trung ương 7 diễn ra vào tháng 5/2013. Lúc đó, phe ông Trọng giới thiệu Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ, phe ông Nguyễn Tấn Dũng giới thiệu Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Thiện Nhân. Phe ông Trọng được đánh giá là có triển vọng hơn, nhưng cuối cùng lại thua. Có lẽ, đây là lần cuối cùng ông Dũng tỏ ra lấn lướt trước ông Trọng. Không biết, liệu tại kỳ họp này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa và ông Trần Lưu Quang có được vào Bộ Chính trị hay không, hay là vẫn không thể? Hãy chờ xem.
Ngoài chuyện ăn chia bầu bán để trám vào vị trí đang khuyết, thì Hội nghị Trung ương 8 này cũng sẽ chia chác ghế cho Trung ương Đảng khóa 14, nhiệm kỳ 2026 – 2031. Đây là được xem là chia sớm để tránh mất phần. Như vậy là, tại Hội nghị Trung ương 8 lần này, Đảng Cộng sản không những giành nhau ghế khuyết, mà còn giành nhau cả ghế trong tương lai. Nguyên nhân nào khiến Đảng Cộng sản tranh giành ghế sớm như vậy? Đây là câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ Đảng lo xếp ghế cho nhiệm kỳ sau sớm như vậy, là vì ông Nguyễn Phú Trọng. Ông là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, ông không chủ trương như vậy, thì ai dám tổ chức ăn chia sớm? Ông Trọng giờ đã 79 tuổi, ông đi không vững, với tình trạng sức khỏe này thì không có gì đảm bảo, ông sẽ đi đến hết nhiệm kỳ này. Có lẽ vì thế mà ông phải sắp xếp ghế sớm.
Hội nghị Trung ương 8, ai được ai mất vẫn chưa rõ, nhưng có một điều chắc rằng, phe ông Tổng Bí thư vẫn sẽ là phe mạnh.
Ý Nhi – Thoibao.de