Vụ Việt Á sắp được đưa ra xét xử, nhưng giá cả vẫn chưa chốt!

 

Báo chí Việt Nam là loại báo chí công cụ, vụ đại án dính đến nhiều nhân vật chính trị ở cấp Trung ương như vụ Việt Á, thì báo chí không được phép đưa tin sát sao theo đúng sự thật khách quan, mà phải đưa theo lệnh của tuyên giáo.

Tất cả các tờ báo đều đăng một tin giống nhau, với góc nhìn giống nhau, trông cứ như là đồng phục về tư tưởng vậy.

Thông thường, trước một vụ án lớn thì Ban Tuyên giáo chỉ đạo báo chí tạo dư luận theo ý của họ, tức là ý của Đảng. Tuy nhiên, cũng có lúc, báo chí tạo dư luận cho một nhóm lợi ích nào đấy – nhóm có thể tác động đến Ban Tuyên giáo để chỉ đạo báo chí. Mục đích là để nhóm lợi ích đấy thu được lợi ích nhiều nhất có thể.

Vụ chuyến bay giải cứu trước đây là một ví dụ, khi chưa đưa ra xét xử, báo chí rầm rộ đưa tin về 18 án bị truy tố ở khung hình phạt có án tử hình, mà cơ quan điều tra đưa ra. Ở khung này, mức án thấp nhất là 20 năm. Tuy nhiên, sự thật là, cơ quan điều tra chỉ ra giá để phía bị cáo chạy tiền mua án. Kết quả là đa số các mức án đều nhẹ hều và không có án tử nào.

Thông tin nội bộ cho biết, song song với phiên tòa diễn ra, là chợ mua bán công lý đằng sau hậu trường. Sau khi đạt được thỏa thuận, thì hầu hết các bản án đều giảm nhẹ. Trừ 4 án chung thân, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận án 16 năm tù, cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng nhận án 12 năm, số còn lại thì chỉ vào khoảng 6 – 7 năm tù, đều dưới khung hình phạt rất xa.

Ở vụ chuyến bay giải cứu, cấp cao nhất bị đưa ra vành móng ngựa là thứ trưởng. Tuy nhiên, ở vụ án Việt Á, ra trước vành móng ngựa có cả Bộ trưởng, những người thuộc quyền quản lý và bổ nhiệm của Bộ Chính trị, nên báo chí cũng phải cẩn thận hơn.

Trước đây, Bộ Công an cho biết, Công ty Việt Á thu lợi khoảng 4.000 tỷ đồng, và dùng 800 tỷ đồng để chi phần trăm ngoài hợp đồng bán kit test. Nhưng trong kết luận điều tra đã ban hành, xác định số tiền Công ty Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1.200 tỷ đồng, và số tiền chi để đưa hối lộ là hơn 106 tỉ đồng.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao có sự chênh lệch quá lớn giữa 800 tỷ ngoài hợp đồng và 106 tỷ hối lộ? Nhiều người nghi ngờ, Bộ Công an đã ém rất nhiều nhân vật nhận tiền ngoài hợp đồng của Việt Á. Con số không biết nói dối, chỉ có Bộ Công an là đang nói dối với toàn dân. Cho nên, ngay trong kết quả điều tra đã cho thấy có mùi, ngay trong Bộ Công an.

Đáng chú ý là mức án dành cho 2 ông cựu bộ trưởng, với ông Chu Ngọc Anh, ông này nhận 200 ngàn đô la Mỹ, nhưng không bị truy tố tội nhận hối lộ, mà chỉ bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Long thì lại bị truy tố về tội nhận hối lộ, với số tiền lên đến hơn 2 triệu đô la Mỹ. Cơ quan tố tụng vẫn chưa thông tin cho báo chí về mức án đề xuất dành cho 2 ông cựu bộ trưởng này.

Thị trường chạy án Việt Nam đang rất náo nhiệt. Nhưng với những nhân vật cấp cao thì cần cẩn thận, đặc biệt là những nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị quản lý, có thể có những bản án không thể dùng tiền để mua. Những vụ đấu đá chính trị, cùng những nhân vật bị lôi ra vành móng ngựa, là những kẻ cần phải bị loại khỏi vũ đài chính trị, thì dù có dư tiền cũng không thể mua án được. Cho nên, dân chạy án cũng rất dè chừng, cứ thấy án nào cũng tham gia chạy, thì có khi lại bị lôi ra tòa, như Hoàng Văn Hưng – cựu Trưởng phòng Chính trị Hậu cần, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an; và Nguyễn Anh Tuấn – cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội, đều bị tóm vì chạy án trong vụ án chuyến bay giải cứu.

Vụ chuyến bay giải cứu tưởng như nghiêm khắc, nhưng hóa ra, lại chỉ là một tấn tuồng, với cơ quan tố tụng diễn trò hề công lý. Có thể, vụ Việt Á sắp tới cũng chẳng khác là mấy. Ở vụ chuyến bay giải cứu, người bị hại bị cho ra rìa, những kẻ phạm tội dùng tiền đã cướp của dân để chạy án. Vụ Việt Á, người bị hại cũng sẽ chẳng được gì, và phiên tòa có thể cũng lại là cơ hội để bộ máy tố tụng hút tiền từ những kẻ đã cướp tiền từ túi người dân. Hãy chờ xem vở tuồng sắp diễn ra.

Ý Nhi – Thoibao.de