Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, giới quan sát cho rằng, đây là lần đầu tiên, trách nhiệm của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – ông Nguyễn Phú Trọng – trong cương vị Tổng Bí thư, đã bị tập thể Ban Chấp hành Trung ương tiến hành mổ xẻ. Điều này liên quan tới trách nhiệm của ông Trọng về công tác nhân sự của các kỳ đại hội Đảng 12 và 13.
Bài viết khá nặng ký, với tiêu đề: “Chúng ta đã để lọt cán bộ không đủ đức, đủ tài vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII”, ngày 5/10 của Đài tiếng nói Việt Nam là ví dụ điển hình.
Có ý kiến cho rằng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam hiện nay, ông Đỗ Tiến Sỹ – Ủy viên Trung ương khóa 13 – là một đồng hương và cũng là một đàn em thân cận của Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Đáng chú ý, bài viết vừa kể dẫn lời ông Vũ Văn Phúc – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản – cho rằng: “… ở nhiều nhiệm kỳ vừa qua, nhiều cán bộ không đủ đức, đủ tài vẫn lọt vào Ban Chấp hành Trung ương… công tác bảo vệ chính trị nội bộ của chúng ta làm chưa tốt, đã để lọt nhiều cán bộ xấu đưa vào Ban Chấp hành Trung ương khóa 13.”
Theo ông Vũ Văn Phúc quả quyết, Đảng phải làm tốt công tác bảo vệ chính trị. Để giải bài toán này, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ của Trung ương phải sàng lọc kỹ từng người, trong danh sách quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương.
Bên cạnh đó, báo VnExpress ngày 6/10 cho biết, trong thông cáo ngày làm việc thứ 5 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, các ông Đào Thế Hoằng, Lê Nguyễn Nam Ninh và Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, đã được bầu bổ sung vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trong khi đó, giới quan sát khẳng định rằng, Thiếu tướng Vũ Hồng Văn là em rể của Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Đó là lý do khiến lâu nay, dư luận xã hội vẫn thắc mắc, vì sao quan lộ của ông Vũ Hồng Văn trong những năm qua lên như diều gặp gió.
Theo chức năng quy định, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nhiệm vụ tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Nhưng trên thực tế, Ủy ban này nắm toàn quyền sinh sát, có quyền đề nghị xử lý các quan chức, nên quyền lực rất lớn.
Liệu tất cả những điều này có mối liên hệ gì với nhau hay không?
Và chúng có liên quan gì đến những đồn đoán cho rằng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang âm thầm thực hiện một “cuộc đảo chính không tiếng súng”, với mục tiêu loại bỏ và tiến tới tước ngôi vị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay không?
Ngược dòng thời gian, đầu tháng 11/2021, Bộ Trưởng Công an Tô Lâm dính vào bê bối bữa tiệc “thịt bò dát vàng”. Tại thời điểm đó, những kẻ không ưa Tô Lâm trong Đảng muốn nhân cơ hội, tìm cách bứng Tô Lâm ra khỏi ghế bộ trưởng công an.
Kể cả Tổng Bí thư Trọng cũng vào hùa, mỉa mai rằng “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”. Lời xúc xiểm của tổng Trọng đã khiến Tô Lâm lộn tiết. Và một vụ Việt Á kinh thiên động địa đã lật ngược hoàn toàn thế cờ.
Tổng Bí thư Trọng, mới hôm trước còn răn đe Tô Lâm, thì hôm sau đã phải bối rối cho việc ký trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và hàng loạt đàn em thân cận dính chưởng “Việt Á”.
Nhưng điều quan trọng nhất là, chỉ Tô Lâm mới là người nắm được toàn bộ “thóp” và vai trò của từng lãnh đạo cấp cao ở Ba Đình.
Bằng việc phanh phui vụ Việt Á, Tô Lâm đã khẳng định vị trí độc tôn, và thực sự nắm quyền lực thống trị trên bàn cờ quyền lực của chính trường Việt Nam. Tô Lâm đã chứng tỏ rằng, ông ta là người có quyền sinh, quyền sát, trong toàn bộ hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, để trở thành ông vua trong Đảng.
Đó là lý do vì sao, trong đại án Việt Á, chi phí hoa hồng từ 800 tỷ theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt, Tô Lâm đã biến hóa chỉ còn lại 106 tỷ. Rõ ràng, điều đó đã cứu rất nhiều quan chức chóp bu trong hệ thống quyền lực của Đảng, lâu nay phải sống trong sợ hãi. Đồng thời, Tô Lâm còn trở thành ân nhân của số đông quan chức Cộng sản, kể cả Tổng Bí thư Trọng.
Có nghĩa là, đến nay, Tô Lâm đã chính thức trở thành kẻ quyền lực nhất trong Đảng, chứ không phải là Tổng Trọng. Hãy chờ những biến động lớn trong thời gian sắp tới./.
Trà My – Thoibao.de