Chủ tịch Thưởng sẽ ngồi cùng Taliban trên mâm của Tập

Ngày 17/10, ông Võ Văn Thưởng lên đường thăm Trung Quốc. Đây là chuyến đi thứ 4 của nhóm Tứ trụ Việt Nam sang Trung Quốc trong nhiệm kỳ này. Trước đó, ngày 30/10/2022, ông Nguyễn Phú Trọng dù đi không nổi cũng phải mang râu đội mũ sang Bắc Kinh diện kiến ông Tập Cận Bình, ngay sau khi ông Tập đắc cử nhiệm kỳ thứ 3, trên cương vị là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước. Chuyến đi thứ nhì và thứ ba là chuyến đi của ông Phạm Minh Chính vào ngày 26/6 và ngày 17/9 vừa qua. Ông Phạm Minh Chính đi Trung Quốc 2 lần cách nhau chưa đầy 3 tháng, được cho là đi để cân bằng quan hệ Mỹ – Tàu.

Như vậy là, nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm tứ trụ, thì đã có tam trụ sang Tàu diện kiến. Chỉ còn lại trụ Chủ tịch Quốc hội. Vậy trụ này bao giờ mới đi Tàu? Đã lên đến Tứ trụ thì ai cũng tranh thủ đi Tàu, bởi nó sẽ liên quan đến vận mệnh chính trị của từng người.

Được biết, ngày 27/3 vừa qua, trong một buổi hội đàm trực tuyến, ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại toàn quốc) đã mời ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội Cộng sản Việt Nam sang thăm Trung Quốc. Và chuyến thăm được dự kiến là sẽ diễn ra trong tương lai.

Chuyến đi Bắc Kinh lần này của ông Võ Văn Thưởng, ngoài việc diện kiến Tập Cận Bình thì ông cũng sẽ dự Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ 3 tại Bắc Kinh, từ ngày 17 đến ngày 20/10.

Được biết, Việt Nam còn đang chần chừ, chưa thực sự tham gia vào đại dự án “Vành đai và Con đường” do ông Tập Cận Bình bày ra. Nguyên nhân có lẽ bị vấp phải phản ứng dữ dội từ phía người dân Việt Nam. Bởi Đảng Cộng sản dự định cho Trung Quốc thuê 3 đặc khu, gồm: Vân Đồn – Quảng Ninh, Bắc Vân Phong – Khánh Hòa và Phú Quốc – Kiên Giang. Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của toàn dân. Đảng Cộng sản rất rắn với dân, nhưng họ cũng biết sợ dân, bởi nếu bán nước công khai thì dân sẽ bất chấp sự sợ hãi và chống đối tới cùng. Ắt Đảng Cộng sản cũng hiểu về điều đó.

Qua 10 năm thực hiện dự án Vành đai và Con đường, thế giới đã nhìn ra cái bẫy trong đó. Nhiều nước dính đến dự án này đã phải chấp nhận bán cảng cho Trung Quốc 99 năm, như cảng Hambantota của Sri Lanka, và không biết, Trung Quốc sẽ làm gì với phần chủ quyền trăm năm ấy. Anh Quốc còn tử tế trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc, chứ Trung Quốc mà thuê đất trăm năm của nước khác, liệu họ có trả lại hay không?

Lần này, tham dự Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường, còn có lãnh đạo Taliban của Afghanistan. Chính quyền Taliban là một chính quyền hung đồ, tàn ác, xem thường dân và chỉ biết đến quyền lợi của chúng. Chính quyền này về bản chất khá giống với chính quyền Cộng sản. Bởi những loại chính quyền như thế này rất dễ mua chuộc bằng thứ quyền lợi kinh tế trước mắt, hoặc bằng những khoản trao tay mờ ám.

Hiện nay, Việt Nam đang đi dây thăng bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo những gì ông Hà Kim Ngọc – Thứ trưởng Ngoại giao nói chuyện tại Câu lạc bộ Thăng Long, thì ông ta cũng thừa nhận, trước khi tiếp Tổng thống Mỹ thì phải thăm Trung Quốc. Đây là cách để không làm phật lòng Trung Quốc. Thông tin về chuyến thăm Mỹ và việc nâng cấp quan hệ với Mỹ cũng được ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng báo trước với Tập Cận Bình. Việt Nam đang ở trong quỹ đạo Trung Quốc mà không dám dứt hẳn ra.

Việt Nam đang bị kẹt, bởi lỡ đu dây nên khó tiến sát về một trong 2 đầu. Gần Mỹ cũng không được vì sợ Tàu, mà nghe lời Tàu hoàn toàn cũng không thể, vì dân không thích thế. Có lẽ vì thế mà Đảng Cộng sản cử một chân trụ hữu danh vô thực như Võ Văn Thưởng đi sang dự chăng? Ông Trọng cũng có lý do từ chối, vì hiện nay, sức khỏe của ông yếu thật. Chính bác sĩ của ông đã xác nhận ông không thể đi Washington được, và đấy cũng có thể là lý do xác đáng để không phải cà lết sang Bắc Kinh một cách khổ sở, như 1 năm trước đây.

Ý Nhi – Thoibao.de