Ngày 9/10, Washington Post và Tổ chức Ân xá Quốc tế đã đưa ra các cáo buộc, đồng thời công bố các bằng chứng tố cáo Chính phủ Việt Nam đứng sau việc tin tặc sử dụng phần mềm Predator để hack vào điện thoại di động của các dân biểu, nhà phân tích chính sách, nhà báo Mỹ, cùng các chuyên gia và kể cả giới chức thuộc Liên minh Châu Âu.
Theo Washington Post, vụ tấn công xảy ra trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9/2023, khi các nhà ngoại giao Việt Nam và Mỹ đang tiến hành đàm phán một thỏa thuận hợp tác lớn, trong mục tiêu nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á. Đây là thời điểm giới chức ngoại giao Việt Nam quan tâm đến quan điểm của Hoa Kỳ về Trung Quốc cũng như các vấn đề liên quan ở châu Á. Các mục tiêu bị nhắm tới là những người có hiểu biết sâu sắc và có thể hữu ích về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
Theo thông tin điều tra được công bố, Bộ Công an Việt Nam bị cáo buộc đã mua phần mềm Predator từ Tập đoàn Nexa và AMES của Pháp, với giá 5,9 triệu đô la, từ năm 2020 trong thời gian khoảng hai năm.
Lâu nay, Việt Nam vẫn bị một số công ty an ninh mạng ở Hoa Kỳ thường xuyên tố cáo. Theo đó, lực lượng tin tặc có liên quan đến chế độ Hà Nội, thường xuyên tiến hành tấn công các nhà bất đồng chính kiến ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Nhưng, những tố cáo trong thời gian gần đây cho thấy, Bộ Công an Việt Nam đã liều lĩnh tấn công cả những nhà lập pháp lẫn ký giả báo chí nước ngoài.
Mới nhất, trang tin Nikkei Asia hôm 16/10 dẫn lời người phát ngôn của Liên minh Châu Âu, lên tiếng quan ngại về thông tin cáo buộc Chính phủ Việt Nam đứng sau việc sử dụng các phần mềm gián điệp, để đánh cắp thông tin từ điện thoại các giới chức và chuyên gia của Liên minh Châu Âu.
Nikkei Asia cho biết, người phát ngôn của Liên minh Châu Âu nói với họ rằng: “Chúng tôi sẽ nâng mức quan ngại từ thông tin liên quan đến Chính phủ Việt Nam… Bất cứ nỗ lực nào nhằm truy cập dữ liệu các công dân một cách bất hợp pháp, bao gồm cả nhà báo hay chính trị gia đối lập đều không thể chấp nhận.”
Theo các nhà điều tra, trong vụ việc này, phía Việt Nam đã sử dụng mạng xã hội X (trước đây là Twitter) cũng như Facebook, để đưa các nhà chính trị và những người quan tâm, vào các trang mạng có cài đặt phần mềm gián điệp Predator. Sau đó, cho phần mềm gián điệp này xâm nhập điện thoại của hàng chục mục tiêu cấp cao, bao gồm các nhà lập pháp Hoa Kỳ, các quan chức Liên Hợp Quốc và các nhà báo của hãng CNN.
Đáng chú ý, liên quan đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu EU, vụ tấn công xảy ra vào lúc Việt Nam cố gắng thuyết phục Cộng đồng Châu Âu rút “thẻ vàng” cảnh cáo, đối với mặt hàng hải sản Việt Nam khai thác bất hợp pháp.
Đại Sứ quán Việt Nam tại Washington, DC, không trả lời ngay câu hỏi của CNN, đề nghị họ đưa ra bình luận. Và cho đến nay, Chính phủ Việt Nam vẫn chưa bày tỏ quan điểm gì về những cáo buộc kể trên.
Tổ chức Ân xá Quốc tế khẳng định, mục tiêu của việc sử dụng những sản phẩm [phần mềm gián điệp] đó, là để làm suy yếu nhân quyền, quyền tự do báo chí và các phong trào xã hội dân sự.
Tổ chức Ân xá Quốc tế kết luận, các nhà điều tra “rất tin tưởng” vào bằng chứng về mối liên hệ giữa tin tặc và Chính phủ Việt Nam. Đồng thời cũng chỉ ra hồ sơ hợp đồng giữa Chính phủ Việt Nam và một công ty liên kết với phần mềm gián điệp này, đã hành động thay mặt cho chính quyền, hoặc nhóm lợi ích của Việt Nam.
Đáng chú ý, báo cáo điều tra cho biết, “các đặc vụ của chính quyền Việt Nam hoặc những người đại diện cho họ, có thể đứng đằng sau chiến dịch phần mềm gián điệp này”.
Dư luận ở Việt Nam đánh giá, bất chấp những nỗ lực hội nhập quốc tế, nhưng Bộ Công an Việt Nam vẫn tiến hành các hành động vi phạm luật pháp, theo kiểu thời Chiến tranh lạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và phản ứng của thế giới văn minh./.
Trà My – Thoibao.de