Phía nhà cầm quyền Cộng sản cho biết, ngày 3/1/2024, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xét xử vụ kit test Việt Á. Trong đó, 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh cùng 36 bị cáo hầu tòa, và phiên tòa dự tính kéo dài 20 ngày.
Ngày 24/5/2022, ông Nguyễn Huỳnh (Phó trưởng Phòng Quản lý giá, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) bị bắt để điều tra. Ông Huỳnh bị cáo buộc lợi dụng vai trò là Thư ký của ông Nguyễn Thanh Long, thời kỳ ông Long làm Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, để giới thiệu, tác động, can thiệp và thực hiện một số hành vi sai phạm liên quan vụ Việt Á.
Tô Lâm cho bắt ông Huỳnh, mục đích là tóm Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. Và 2 tuần sau, ông Nguyễn Thanh Long bị bắt. Đây là cách để cho công luận biết, ông Nguyễn Huỳnh đã khai ra những sai phạm của sếp.
Tuy nhiên, thông tin nội bộ cho biết, ông Nguyễn Huỳnh không khai gì với Cơ quan Điều tra. Tô Lâm đã cho bắt bừa ông Nguyễn Thanh Long, rồi sau đó mới ép cung Nguyễn Huỳnh.
Cách làm của ông Tô Lâm lâu nay vẫn vậy, không theo một quy trình tố tụng hình sự nào cả. Vụ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng vừa qua, cũng là cách làm bừa, rồi tìm cách ghép tội sau. Tuy nhiên, cách làm của Công an Thái Bình trong vụ ông Lưu Bình Nhưỡng còn quá non, hoặc do quá vội nên lộ ra quá nhiều sơ hở. Còn vụ Nguyễn Huỳnh, cựu Thư ký của ông Nguyễn Thanh Long, thì Bộ Công an làm kín hơn, chỉ có người trong cuộc mới biết.
Để hợp thức hóa trò ép cung kết tội, Tô Lâm đã cung cấp tin tức để báo chí đồng loạt đăng rằng, Cơ quan Điều tra xác định, tổng số tiền mà Phan Quốc Việt đã chi hối lộ cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lên đến 2,25 triệu USD (hơn 51 tỷ đồng). Trong đó, Việt đưa cho Nguyễn Huỳnh 2,2 triệu USD để chuyển cho ông Nguyễn Thanh Long, và Việt đưa trực tiếp cho cựu Bộ trưởng 50.000 USD.
Tuy nhiên, một nguồn tin từ bên trong cho chúng tôi biết, đây là con số mà bên Cơ quan Điều tra nặn ra để ghép tội. Thực tế, ông Nguyễn Huỳnh không bán đứng sếp của mình.
Không chỉ riêng ông Nguyễn Huỳnh, mà ông Nguyễn Nam Liên – cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế – cũng tương tự. Ông Nguyễn Nam Liên không nhận tội, nhưng bị bức cung, và công an cũng cung cấp số liệu cho báo chí để tạo dư luận dọn đường.
Các quan chức tham nhũng bị bắt, có nhiều người rất trí trá, họ làm cho cảnh sát điều tra phải bất lực. Đó là sự thật.
Việc chứng minh bị can có tội mà không bức cung, không nhục hình, là trách nhiệm của cảnh sát điều tra. Nếu bị can thực sự có tội, nhưng cảnh sát điều tra lại không thể tìm được bằng chứng chứng minh họ có tội, thì phải xem là họ vô tội. Điều quan trọng để đảm bảo công lý là công tác điều tra phải đúng quy trình tố tụng, không được phép lạm dụng quyền lực để bức cung nhục hình.
Nếu sử dụng nhục hình, hoặc sai quy trình tố tụng, thì rất dễ dẫn đến oan sai. Việc cho truyền thông kết tội thay tòa án cũng là điều nguy hiểm, vì nó tạo thành thói quen cho người dân – những người không am hiểu luật pháp – quyền được kết án người khác. Từ đó tạo ra sự bất công và kỳ thị trong xã hội.
Ở các nước dân chủ, người ta tôn trọng quyền im lặng và quyền có luật sư ngay từ đầu. Đây là 2 quyền cơ bản để bảo vệ bị can, tránh trường hợp cảnh sát lạm quyền.
Tuy nhiên, chính quyền Cộng sản lại không cho bị can 2 cái quyền đó. Mục đích là để công an dễ dàng làm án và phá án nhanh, lập thành tích, hoặc kết án theo ý Đảng. Có thể nói, án oan trong ngành tư pháp Việt Nam là không đếm xuể, bởi những quy định của luật pháp như thế.
Tòa án thì dùng án bỏ túi, công an thì ghép tội tùy tiện nếu bất lực trong công tác điều tra. Vì vậy, tìm đâu ra công bằng và công lý ở cái xứ Cộng sản này?
Ý Nhi – Thoibao.de