Ngày 6/1, RFA Tiếng Việt loan tin “VinFast bổ nhiệm ông Phạm Nhật Vượng làm Giám đốc điều hành phụ trách sản xuất và bán hàng toàn cầu”.
Theo đó, hãng xe điện VinFast hôm 6/1 thông báo bổ nhiệm ông Phạm Nhật Vượng, từ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị VinFast – sang vai trò Tổng Giám đốc điều hành hãng này, thay thế bà Lê Thị Thu Thuỷ – người sẽ chuyển từ vị trí Tổng Giám đốc sang đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị VinFast. Bà Nguyễn Thị Lan Anh được bổ nhiệm là Giám đốc Tài chính, thay thế ông David Mansfield – người đã giữ vị trí này từ năm 2022.
RFA cho hay, việc bổ nhiệm người đứng đầu Tập đoàn VinGroup – Công ty mẹ của VinFast – làm CEO của hãng xe điện non trẻ vào thời điểm này, được VinFast xác định là thích hợp, khi hãng đã thành công thâm nhập thị trường Bắc Mỹ và niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ, từ giữa tháng 8/2023.
RFA dẫn thông báo của VinFast cho biết, “Trên cương vị Tổng Giám đốc VinFast, ông Phạm Nhật Vượng sẽ trực tiếp quản lý các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường”.
Không rõ, điều gì đã khiến Vin và ông Phạm Nhật Vượng đưa ra quyết định kỳ lạ này, nhưng rõ ràng, điều này cho thấy sự bất ổn trong hoạt động của VinFast. Bởi trên cương vị là ông chủ của Tập đoàn VinGroup và hãng xe VinFast, hẳn là ông Phạm Nhật Vượng bận rất nhiều công việc, khó có thể có đủ thời gian và sức lực để làm những việc cụ thể, như “trực tiếp quản ký hoạt động vận hành sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường”.
Thông thường, các ông chủ chỉ là người đưa ra chiến lược phát triển chung, rồi sẽ thuê những người giỏi chuyên môn để quản lý từng bộ phận, từng công việc cụ thể. Việc một ông chủ phải xắn tay áo để lao vào công việc cụ thể, chỉ có thể lý giải theo một số hướng, ví dụ: Ông chủ không còn tin vào người quản lý của mình, và buộc phải tự mình quán xuyến mọi việc; hoặc, tình hình đang dần đi đến bế tắc, ông chủ muốn rút dần vai trò của mình, từ vị trí cao nhất xuống dần các cấp thấp hơn, rồi lặng lẽ đánh bài chuồn?
Hiện nay, dư luận đánh giá, VinFast đang rơi vào thế bế tắc, bởi ô tô sản xuất ta không bán được, mà còn phải chịu rất nhiều tai tiếng; bởi các khoản nợ đang ngày một tăng và điểm hoà vốn còn quá xa vời; bởi giá cổ phiếu trên thị trường Mỹ không giúp cho hãng huy động được vốn như mong đợi…
Và không riêng VinFast, cả Tập đoàn VinGroup đều đang gặp khó khăn, khi bất động sản đóng băng quá lâu và chưa hề có tín hiệu phục hồi, khả năng huy động vốn rất thấp, chưa kể đến họ còn bị khách hàng phản đối, kiện tụng khắp nơi…
Tuy nhiên, VinGroup nói chung và VinFast nói riêng đều luôn áp dụng “phép thắng lợi tinh thần” theo khuôn mẫu Cộng sản. Dù trong hoàn cảnh nào, dù đã đến giai đoạn “hấp hối”, thì họ cũng đều tung hô là “thành công”, là “hoàn hảo”, và mọi việc đang phát triển tốt, đúng hướng… Dù nói xuôi hay nói ngược thì họ đều là những “thiên tài”!
Theo RFA, VinFast thành lập vào năm 2017 để sản xuất xe hơi, nhưng đến năm 2021 đã chuyển toàn bộ sang sản xuất xe điện.
RFA cũng cho biết, VinFast bắt đầu xuất khẩu xe điện sang thị trường Bắc Mỹ vào cuối năm 2022.
Hồi tháng 8/2023, VinFast đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất pin và lắp ráp xe điện, tại bang North Carolina, Mỹ, với số tiến đầu tư khoảng 4 tỷ đô la.
Hồi tháng 10, VinFast đã công bố kế hoạch thiết lập các nhà máy lắp ráp xe điện tại Ấn Độ và Indonesia, với công suất mỗi nơi lên tới 50.000 chiếc một năm, và vốn đầu tư lên bước đầu là 200 triệu đô la. Hãng cho biết, việc sản xuất sẽ được bắt đầu tư năm 2026.
Tuy nhiên, nhiều người đánh giá, tất cả những hoạt động này của VinFast đều chỉ là “đòn gió”, nhằm bơm thổi tên tuổi của họ, nhằm mục đích thật là “lùa gà”.
Quang Minh – thoibao.de
6.1.2024