Ông Tô Lâm vừa ký tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Theo đó, ông Tô đề xuất cảnh vệ cho Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nhóm người trong tứ trụ, gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, được chế độ bảo vệ cao nhất. Tuy nhiên, hiện nay, những vị trí như Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đang thực hiện những bản án rất mất lòng dân. Chẳng hạn như vụ án Hồ Duy Hải, từ Công an cho tới Viện Kiểm sát và Tòa án Nhân dân Tối cao, đều thống nhất việc mua chứng cứ ngoài chợ về kết án tử hình cho Hồ Duy Hải.
Chuyện sai rành rành, hai năm rõ mười, nhưng cả bộ máy chính quyền đều toa rập một lòng, quyết không chịu thua dân. Tuy dân không làm gì được những người đứng đầu cơ quan tố tụng này, nhưng sự ấm ức, bất mãn âm ỉ và lan rộng.
Thoibao thường xuyên nhận được tin về cách làm việc xem thường pháp luật của lính ông Tô Lâm. Quy trình tố tụng bị xâm hại nghiêm trọng, quy tắc làm án như “giang hồ làm luật”, đã khiến cho không biết bao nhiêu người hàm oan. Đặc biệt, cách dùng báo chí để kết tội bị can bằng công luận, nhằm hợp thức hóa những sai phạm của công an, là cách làm án được cho là “khốn nạn” nhất, so với các cơ quan điều tra trên thế giới.
Những người bị công an lạm quyền bắt bớ, rồi cố ghép tội bằng cách tung clip nghi can “tự thú” lên báo chí, khiến người thân của nghi can phẫn nộ tột cùng, cho dù họ không dám lên tiếng trên mạng xã hội, vì sợ nguy hiểm.
Việc ông Tô Lâm cho tăng cường cảnh vệ đối với Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và với Chánh án Tòa án Nhân dân, cũng là cách gia cố “áo giáp” cho những người này, bởi họ đã gây ra quá nhiều tội ác trong quá trình tố tụng. Không loại trừ họ gây thù chuốc oán với chính những đồng chí của họ, khi họ nhận lệnh ông Tổng, quyết làm án theo mệnh lệnh đối với những người này.
Còn vị trí Thường trực Ban Bí thư, hiện nay là bà Trương Thị Mai, cũng được đề xuất tăng cường cảnh vệ. Bà Mai làm bên công tác Đảng không phải bên Nhà nước, nên bà ít va chạm với dân. Tuy nhiên, việc giữ cho lò lửa của ông Nguyễn Phú Trọng luôn rực đỏ, sẽ khiến bà gây thù chuốc oán với không ít đồng chí của bà. Với vai trò là phó cho Tổng Bí thư, bà Trương Thị Mai chủ trì hầu hết các cuộc họp của Ban Bí thư – những cuộc họp quyết định việc sẽ thịt đồng chí nào, và tha cho đồng chí nào.
Điều đáng nói là, vị trí người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng được đề xuất tăng cường cảnh vệ. Điều 9 của Hiến pháp 2013, quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nếu Mặt trận Tổ quốc thực hiện đúng như Hiến Pháp quy định, thì lẽ ra, họ phải được dân yêu mến, chứ sao lại cảm thấy không an toàn trước dân, mà phải tăng cường cảnh vệ?
Thật ra, những người đứng đầu Chính phủ ở các nước dân chủ, họ không cần cảnh vệ tầng tầng lớp lớp. Có ông thủ tướng đi xe đạp tới văn phòng làm việc hằng ngày, có bà thủ tướng đi làm bằng phương tiện công cộng. Họ giữ cho đất nước thái bình, dân hưởng lợi, thì họ sẽ cảm thấy an toàn ngay giữa dân chúng. Còn ở Việt Nam, có quá nhiều lãnh đạo lo sợ không an toàn, nên phải tăng cường cảnh vệ.
Cũng có thông tin cho biết, ông Tô Lâm là người ma mãnh, ông lợi dụng sự bất an của các lãnh đạo, đề xuất tăng cường cảnh vệ, như là cách thể hiện sức mạnh của ông đối với các đồng chí của ông.
Nếu đồng chí ấy là phe của ông thì ông bảo vệ, nếu đồng chí ấy phe chống ông, thì ông sử dụng cảnh vệ để đe dọa họ. Cảnh vệ là con dao hai lưỡi, các đồng chí lợi dụng để kiểm soát nhau.
Ý Nhi – Thoibao.de
9.1.2024