Ngày 12/1, tin đồn về việc ông Nguyễn Phú Trọng từ trần rộ lên trên cộng đồng mạng. Trong khi đó, báo chí nhà nước thì vẫn chưa thấy nói gì về tình hình sức khỏe của ông.
Khi lời đồn xuất hiện, thường là do hai nguyên nhân chính. Một là do nguồn tin riêng từ bên trong bắn ra, và hai là từ những suy luận, do việc nhân vật chính vắng mặt tại một số sự kiện quan trọng, cũng như vắng bóng trên truyền thông.
Từ hồi tháng 9, khi đón Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Nguyễn Phú Trọng đã không đứng vững, cần phải có người dìu. Sau đó, ông còn tiếp một số lãnh đạo cấp cao khác, trong đó có cuộc đón tiếp ông Tập Cận Bình ngày 12/12/2023. Đến ngày 26/12 ông tiếp ông Shii Kazuo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản, rồi từ đó là ông vắng mặt trong các cuộc đón tiếp ngoại giao.
Một hãng tin quốc tế ngày 11/1 cho biết, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không gặp Tổng Thống Joko Widodo của Indonesia vào ngày 12/1, thay vào đó, ông Võ Văn Thưởng, ông Phạm Minh Chính, và ông Vương Đình Huệ sẽ đón tiếp. Tờ báo Nhân Dân bản tiếng Anh có đăng hình ông Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Joko Widodo, nhưng là hình ảnh từ năm 2018, để minh họa, không có hình ảnh mới.
Ông Trọng năm nay vừa tròn 80 tuổi. Ông nắm chức Tổng Bí thư từ năm 2011 đến nay, với 3 nhiệm kỳ. Hiện ông là người có quyền lực cao nhất. Gần đây, ông thay cả Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng để đón tiếp Tổng thống Mỹ, và chính ông cũng đón ông Tập Cận Bình, mà không cần ông Thưởng đón cùng.
Hồi tháng 4/2019, trong một chuyến công tác tại tỉnh Kiên Giang, ông ngã bệnh, và sau đó, chính quyền thông báo ông bị tai biến. Phải mất gần một năm điều trị thì ông mới có thể tự đi đứng được, nhưng đã yếu hơn rất nhiều so với trước chuyến đi Kiên Giang.
Điều đáng nói là, thông tin về sức khỏe của ông Trọng trong chuyến đi Kiên Giang hồi năm 2019, cũng được tuồn ra từ những nguồn tin ngoài luồng. Trong khi tin chính thống đưa rất hạn chế, mà hầu hết là đưa lại những gì tin ngoài luồng đã đưa, nhưng không đầy đủ.
Hiện nay, sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng đang được công luận chú ý rất nhiều, bởi ông được xem là nhân vật có ảnh hưởng nhất trong Đảng Cộng sản. Với chiến dịch “đốt lò”, ông đã tạo tiếng vang rất lớn, trong đó có cả thành phần ủng hộ và thành phần chống ông.
Với chiến dịch “đốt lò”, ông đã làm cho nhiều đồng chí của ông lo sợ, ắt hẳn, khi sức khỏe ông có vấn đề, thì cũng khiến cho không ít đồng chí của ông “mừng thầm”. Có lẽ, khó có đồng chí nào yêu mến ông thực sự, bởi, khó có ai là người “trong sạch” trong cái thể chế này.
Còn về phía người dân, thì có lẽ, người ta mong đợi tin về sức khỏe ông Trọng vì hiếu kỳ là chính, chứ chẳng có thương mến và lo lắng cho sức khỏe của ông, như thời ông Hồ Chí Minh.
Thời ông Hồ Chí Minh, dân trí thấp hơn bây giờ, người dân mù chữ nhiều và chỉ biết nghe loa phường, nên họ bị “nhồi sọ”. Còn ngày nay, có internet, có mạng xã hội với đủ nguồn thông tin đa chiều, nên người dân cũng hiểu biết hơn, không còn nhiều người cuồng Đảng, cuồng lãnh tụ như trước đây.
Mặc dù được tuyên giáo ca ngợi hết lời, nhưng số người ghét ông Nguyễn Phú Trọng không hề ít, trong đó có cả dân và quan chức. Ắt hẳn, nếu ông từ trần thì sẽ có không ít kẻ… khui bia ăn mừng.
Một nguồn tin riêng cho chúng tôi biết, ông Nguyễn Phú Trọng đang bị bệnh thật. Ông đang nằm tại Bệnh viện Quân y 108. Ông có vấn đề về tụy và đang được truyền máu. Bệnh của ông cũng khá nặng do cao tuổi và bệnh nền.
Có lẽ, ông Trọng chưa đi gặp Bác Hồ là thật. Tuy nhiên, việc tin đồn về cái chết của ông đã làm dậy sóng mạng xã hội, qua đó có thể cho thấy, đó là “lòng dân” thực sự.
Ý Nhi – Thoibao.de
13.1.2024