Con bài Phan Văn Giang có giúp Tổng Trọng kiểm soát được Tô Đại?

Kể từ cuối năm 2023 đến nay, giới thạo tin tiết lộ, sức khỏe của Tổng Trọng suy sụp. Mới đây, có những đồn đoán cho rằng, ông Trọng vẫn phải thường xuyên vào Bệnh viện Quân y 108 để truyền máu, và có bệnh liên quan đến tuyến tụy.

Khi quyền lực của Tổng Trọng đang đi xuống, kèm theo thể trạng sức khỏe của ông được cho là không mấy khả quan, lập tức, câu hỏi, ai sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư, được công luận quan tâm hơn bao giờ hết.

Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng, một chính khách trẻ tuổi, nhân vật được đánh giá là thân cận và được Tổng Trọng trực tiếp dìu dắt. Thậm chí, ông Thưởng còn được đánh giá rằng, ông sẽ nắm giữ những trọng trách trong Đảng, kể cả khả năng kế nhiệm ông Trọng trên cương vị Tổng Bí thư. Nhưng bất ngờ, ông Võ Văn Thưởng “ngã ngựa”, theo giới phân tích, cũng liên quan đến sức khỏe của ông Trọng.

Thời gian qua, sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giảm sút, đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng điều hành bộ máy Đảng và nhà nước. Đặc biệt, điều này liên quan trực tiếp đến chiến dịch chống tham nhũng hiện nay. Có ý kiến cho rằng, vai trò “nhạc trưởng” của Tổng Trọng trong công cuộc “đốt lò”, đang giảm dần. Ngược lại, nhiều dấu hiệu cho thấy, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang nổi lên với vai trò “tổng chỉ huy” trong công cuộc chống tham nhũng của Đảng, vào lúc này.

Việc ông Trọng không bảo vệ nổi, và phải chấp nhận để ông Thưởng bị hạ bệ khỏi chiếc ghế Chủ tịch nước, đã cho thấy, quyền lực của ông Trọng giảm sút đáng kể.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều dấu hiệu cho thấy, ông Tô Lâm không chỉ xây dựng một hệ thống cho mình trong Bộ Công an, mà còn ráo riết thâu tóm và can thiệp vào bộ máy của Đảng – nơi vốn thuộc độc quyền của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trường hợp Thiếu tướng Vũ Hồng Văn – Cục trưởng Cục An ninh Chính trị Nội bộ, người được cho là em vợ của ông Tô Lâm, tại Hội nghị Trung ương 8 đã được bầu bổ sung vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là một minh chứng.

Theo quy định, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nhiệm vụ tổ chức, thực hiện kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Trên thực tế, theo giới quan sát, Ủy ban này có quyền lực rất lớn. Đừng quên, ông Tô Lâm vốn có mối quan hệ hết sức thân thiết với ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban này.

Hơn thế nữa, sự liên kết chặt chẽ không dấu diếm của Bộ trưởng Tô Lâm với Ban lãnh đạo Bắc Kinh gần đây, đã buộc ông Trọng phải thay đổi quan điểm về nhân sự kế nhiệm chức Tổng Bí thư, phải quyết liệt và chặt chẽ hơn.

Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14, diễn ra ngày 13/3 ở Hà Nội, Tổng Trọng đã nắm tay Thủ Chính với thái độ ân cần, chứ không phải nắm tay Vương Đình Huệ hay Võ Văn Thưởng. Đây là một sự khác thường.

Trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư tại Đại hội 14, trong số các ứng viên, Thủ Chính dường như không mặn mà, vì nhiều lý do. Đặc biệt là mối quan hệ đầy tai tiếng của ông với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (AIC). Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng muốn lợi dụng mối quan hệ này và việc làm ăn phạm pháp của bà Nhàn, để loại bỏ ông Chính, với tuyên bố rằng, bà Nhàn “có trốn cũng không trốn mãi được đâu?”

Điều này khiến công luận đặt câu hỏi, vì sao, ông Tô Lâm không thẳng tay giúp ông Trọng xử lý vụ bà Nhàn (AIC)? Có liên quan gì đến mối quan hệ giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng? Bởi ông Chính được xem là tay chân thân tín của ông Dũng. Trong khi, ông Tô Lâm cũng còn nặng “ân nghĩa” với Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng, một đệ tử thân cận khác của ông Ba Dũng. Và liệu, có tồn tại một liên minh giữa 2 Tướng Công an – Tô Lâm và Phạm Minh Chính – do Ba Dũng đứng sau hay không?

Việc Tô Lâm mở quá nhiều mặt trận, tấn công hầu hết các ứng viên tiềm năng của chiếc ghế Tổng Bí thư, đã vô tình buộc các cá nhân và phe nhóm khác phải liên hiệp lại để đáp trả.

Đó là lý do tại sao, mới đây đã xuất hiện các ý kiến cho rằng, có thể, Tổng Trọng sẽ đề xuất đưa Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào danh sách ứng viên cho ghế Tổng Bí thư. Ông Phan Văn Giang đang có ưu thế là nhận được sự ủng hộ của đa số các uỷ viên Bộ Chính trị.

Đặc biệt, Bộ trưởng Phan Văn Giang được đánh giá là nhân vật có uy tín cao, đồng thời, Bộ Quốc phòng là cơ quan duy nhất có khả năng kiềm chế được tham vọng của ông Tô Lâm trong lúc này?./.

 

Trà My – Thoibao.de