Ngày 6/5, blog Lê Quốc Quân trên VOA Tiếng Việt bình luận “Quốc hội, nhân dân và những võ sĩ giác đấu”.
Với việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây, tác giả nhận xét, số lần họp bất thường (7 lần) của Quốc hội, đã nhiều hơn họp thường lệ (6 lần), là hệ quả của những xáo trộn ở thượng tầng, nơi có nhiều nhân vật đã được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Tác giả nhắc lại, Việt Nam đã từng có một Quốc hội dân chủ, đó là Quốc hội khoá 1 – được bầu ra qua cuộc Tổng tuyển cử vào năm 1946. Quốc hội này có 403 đại biểu, trong đó, Việt Minh chỉ chiếm 120 ghế, số ghế còn lại thuộc về các đảng phái khác và cả những đại biểu không đảng phái.
Quốc hội khóa 1 kéo dài 14 năm (1946 – 1960) với 12 kỳ họp, đã xem xét và thông qua được một bản Hiến Pháp tốt, 16 đạo luật, 50 nghị quyết và 3 chính phủ liên hiệp.
Sau 1954 đất nước chia đôi, nhiều đảng phái chính trị khác bị đàn áp hoặc đi vào Nam, miền Bắt bị đặt dưới sự cai trị của Đảng Lao động, Quốc hội dần dần bị thâu tóm và đặt hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Đảng.
Theo tác giả, sau gần 80 năm, giờ đây, Quốc hội Việt Nam đã thực sự trở thành một Quốc hội bù nhìn, hoàn toàn nằm dưới sự thao túng tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Nhưng Quốc hội không chỉ đơn giản là “gật” theo ý Đảng, mà đã bị biến thành một công cụ đắc lực của Đảng, dưới hình thức tinh vi, khiến cho người dân và thế giới lầm tưởng.
Tác giả dẫn lời ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội khóa 13, từng phát biểu rằng:
“Vấn đề là phải xác định sự lãnh đạo của Đảng với Quốc hội khác với các thiết chế khác ở chỗ nào, vì Quốc hội và hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử. Ví dụ, với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, 5 năm, khi Ban chấp hành Trung ương hay Bộ Chính trị quyết định quá cụ thể các chỉ tiêu, thì không còn dư địa cho Quốc hội bàn. Lúc đó, Đảng quyết định luôn rồi, chứ không chỉ dừng lại ở chủ trương nữa, và chuyện đưa ra Quốc hội chỉ là để hợp thức hoá thôi”.
Tác giả đánh giá, lời phát biểu của ông Phúc cho thấy, Đảng đã dứt khoát giành lấy quyền quyết định hết những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội Việt Nam. Đặc biệt, về nhân sự thì Đảng nắm thật chặt, thậm chí quyết định ai, vào thời điểm nào thì có tín nhiệm, thời điểm nào thì không. Ví dụ rõ nhất là trường hợp ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ mới đây.
Rõ ràng, Quốc hội chỉ là một công cụ của Đảng, để hợp thức hoá các quyết định của Đảng.
Tác giả dẫn Điều 69 Hiến pháp Việt Nam, theo đó: “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” của Việt Nam; và Điều 70 Hiến Pháp trao cho Quốc hội nhiều quyền hạn rất lớn, ví dụ: “Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; quyền quyết định trưng cầu dân ý”.
Tác giả cho biết, Quốc hội đã từng khiến Đảng phải lùi bước 2 lần với Dự án đường sắt cao tốc và Sân bay Long Thành.
Nhưng giờ đây, người dân hoàn toàn không biết điều gì đã xảy ra.
Tác giả đặt ra một loạt câu hỏi, đó là: Ai đã thực hiện việc “phế truất” các vị lãnh đạo cao nhất, ai đang “tiếm quyền” thực sự? Thực chất đã có một cuộc đảo chính phi bạo lực hay không? Cuộc đảo chính này là “bất thành” hay đã “thành công” rực rỡ? Quyền lực thực tế nằm ở trong tay ai hay nhóm nào? Không ai biết!
Quan sát chính trị Việt Nam gần đây, tác giả hình dung các Võ sỹ giác đấu tại Đại Hý trường La Mã, nơi diễn ra các trận đấu sinh tử; nơi kẻ thua cuộc chỉ chết khi người thắng cuộc nhận được dấu chỉ của người có quyền lực nhất.
Tác giả bình luận, hàng ngàn năm trôi qua, trò chơi quyền lực tại Việt Nam vẫn thu hút được đông đảo dân chúng, giống như Võ sĩ giác đấu tại Đại Hý trường khi xưa. Chỉ khác, giờ đây, khán giả không biết kẻ bại trận có thật sự bại trận, và đã chấp nhận thua cuộc hay chưa.
Nhân dân Việt Nam hoàn toàn không được dự phần vào bất cứ quyết định nào, dù cho Hiến pháp quy định, Nhà nước là “Của dân, do dân và vì dân”.
Thu Phương – thoibao.de