“Chơi dao”, Tổng bị cứa tay. Làm sao để Tổng tước “dao” khỏi tay “Tô”?

Thông tin nội bộ rò rỉ cho biết, ngày 28/5, Bộ Công an đã triệu tập Hội nghị cán bộ chủ chốt, gồm giám đốc công an các tỉnh, thành phố, và các cục trưởng thuộc Bộ Công an. Đây là cuộc họp do Tô Lâm đạo diễn. Tại đây, tất cả các quan chức hàng đầu của Bộ, đã bỏ phiếu, thống nhất bầu chọn Thứ trưởng Lương Tam Quang làm Bộ trưởng Công an.

Biên bản của Hội nghị này được gửi tới Bộ Chính trị, với yêu cầu bổ sung Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị, và chấp thuận ông làm Bộ trưởng. Đây được xem là hành động nổi loạn một lần nữa của Bộ Công an. Tô Lâm triệu tập binh hùng tướng mạnh, mà ông đã từng nuôi nấng và cất nhắc trong 8 năm qua, tề tựu về “kinh đô” để gây áp lực với “nhà vua”.

Điều rất khó hiểu là, vì sao, Đảng Cộng sản do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã trao quá nhiều đặc quyền vào tay Bộ trưởng Bộ Công an. Được biết, quy định bổ nhiệm giám đốc các sở đều thuộc quyền của chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, trừ giám đốc sở công an. Không hiểu sao, Đảng lại loại trừ ngành công an cấp tỉnh, không giao quyền bổ nhiệm giám đốc sở cho chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, mà lại giao cho Bộ trưởng Bộ Công an?

Điều này được giải thích là Đảng tặng miếng cà rốt cho Bộ trưởng Bộ Công an, để mua lấy lòng trung thành của người đứng đầu Bộ này. Tuy nhiên, việc trao “củ cà rốt” nhưng lại thiếu “cây gậy”, để kiểm soát quyền lực của ông Bộ trưởng Công an, nên giờ đây, Đảng đang phải ngậm trái đắng, vì mất quyền kiểm soát đối với Bộ Công an. Ông Bộ trưởng đã dùng quyền này để xây dựng vây cánh của ông ở khắp các tỉnh thành, và đến thời điểm quyết định, tập trung họ về “cung đình” để gây áp lực với “vua”.

Từ trước tới nay, ứng viên cho ghế Bộ trưởng Bộ Công an phải là uỷ viên Bộ Chính trị. Nếu chiếu theo tiền lệ, thì một Ủy viên Trung ương Đảng như ông Lương Tam Quang sẽ bị gạt ra khỏi mâm quyền lực này. Tuy nhiên, lần này là ngoại lệ, khi Bộ Công an tự họp, và tự chọn Bộ trưởng. Kết quả bầu chọn được đưa lên Bộ Chính trị, để tranh chấp sòng phẳng với 3 uỷ viên Bộ Chính trị do phe Nguyễn Phú Trọng đưa ra. Đây được xem là áp lực do phe Hưng Yên gây ra đối với Bộ Chính Trị. Nếu không có áp lực này, thì Lương Tam Quang chỉ có thể đứng ngoài rìa cuộc chơi.

Chuyện Bộ Công an tự họp và tự chọn ứng viên Bộ trưởng, để gây áp lực đối với Bộ Chính, là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử gần 80 năm tồn tại của chế độ này. Chủ tịch nước Tô Lâm thông qua Bộ Công an, muốn viết lại luật chơi theo ý của ông. Đây là mầm loạn, nếu Tổng Trọng không có biện pháp chấn chỉnh, phe Tô Lâm có thể chiếm cứ Bộ Công an, rồi sau đó là kiểm soát luôn cả Bộ Chính trị.

Từ việc mở đường cho Lương Tam Quang tranh phần với nhóm uỷ viên Bộ Chính trị của ông Tổng, cho thấy, phe ông Tổng đã lùi bước. Chưa biết, Tô Lâm đã gây áp lực lên Bộ Chính trị và phe Tổng Trọng như thế nào, nhưng rõ ràng, nhóm quyền lực kia đang lùi bước trước Tô Lâm. Nếu Nguyễn Phú Trọng không loại được Lương Tam Quang, và thu hồi quyền bổ nhiệm giám đốc sở công an khỏi tay Bộ trưởng Bộ Công an, thì tương lai sẽ còn nhiều Tô Lâm khác lộng hành hơn nữa.

Dù Lương Tam Quang chưa trở thành Bộ trưởng, thì thực tế cho thấy, Bộ Chính trị đang thất thế. Nếu để Lương Tam Quang thực sự trở thành Bộ trưởng, thì đấy là thất bại hoàn toàn của Bộ Chính trị, cũng như của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hành động nổi loạn của Bộ Công an lần này, được xem là một cuộc đảo chính mềm. Dù không tiếng súng, nhưng cũng quyết liệt không kém một cuộc đảo chính thực sự. Cũng dùng sức mạnh để gây áp lực, buộc những kẻ cầm quyền phải nhượng bộ, và trao quyền lực.

Nếu không tước được “dao” khỏi tay Tô Lâm, thì cả Bộ Chính trị sẽ phải vất vả để đấu tranh sinh tồn, trước một Tô Lâm ngày càng lộng quyền.

 

Thái Hà – Thoibao.de