Ngày 5/11, RFA cho hay “Người Việt bàn tán sôi nổi về bầu cử Tổng thống Mỹ: Khát vọng về quyền tự quyết!”.
Theo đó, có ít nhất 3 tờ báo của Việt Nam đặt thăm dò “ai sẽ là người đắc cử Tổng thống Mỹ 2024?”. Trong khi, hàng ngàn bài viết khác nhau trên các mạng xã hội tiếng Việt, cũng nói về các ứng cử viên cho chức vụ Tổng thống Mỹ.
RFA dẫn lời ông Nguyễn Bình, ở Đồng Nai, bày tỏ sự ngạc nhiên khi người dân được tự do nói về về cuộc bầu cử ở bên kia nửa vòng trái đất.
“Tôi chỉ mong muốn một điều duy nhất là, người tài ở Việt Nam, người có đức ở Việt Nam, được tham gia ứng cử một cách toàn diện, công khai và ứng cử với sự thoải mái mà không bị o ép. Và quyền tự quyết thuộc về người dân cầm lá phiếu, mà không do một cái đảng phái nào bầu bán cả.”
RFA dẫn nhận xét của cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga, nói rằng, bầu cử Tổng thống Mỹ luôn là sự kiện quan trọng, được người dân cả thế giới theo dõi, vì người chiến thắng có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chính trị thế giới. Bà nói:
“Bàn luận về việc bầu cử tất nhiên sẽ có lợi cho việc tự do phản biện, còn nếu nói về mặt tiêu cực, là do truyền thông của nhà cầm quyền cố tình dẫn dắt dư luận đi theo hướng của họ muốn. Cho dù như vậy, việc công khai bàn luận sẽ thúc đẩy được tính tự chủ của người dân, thể hiện mong muốn của họ về việc chọn lựa người lãnh đạo.”
RFA dẫn đánh giá của nhà báo độc lập Nam Việt, cho rằng, hiện tượng người Việt Nam bình luận không ngớt về bầu cử Mỹ, cho thấy cơn khát đời sống dân chủ của người Việt Nam. Ông nói:
“Việc bình luận, nhận định, chọn phe… của người Việt trong cuộc bầu cử ở Mỹ, đôi khi là chuyện buồn cười, nhưng nó cho thấy, một khát vọng đổi thay vẫn đang âm ỉ trong lòng dân tộc, người dân phải diễn tập quyền tự quyết của mình với thế giới bên ngoài, như một sự thôi thúc chính quyền phải đi đến cải cách thể chế mới, để thoát khỏi sự nhạo báng về tính bất chính danh của một chế độ trước toàn dân, vào mỗi kỳ bầu cử giả hiệu trong nhiều thập kỷ qua.”
Trước đó, ngày 29/10, RFA loan tin “Báo nhà nước cho phép biểu quyết “ai sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ” trong khi im lặng về bầu cử Việt Nam”.
RFA cho biết, cuộc thăm dò này xuất hiện trên báo VnExpress, do Bộ Khoa học Công nghệ làm chủ quản.
Một số trang báo khác và các kênh Youtube của các tờ báo, cũng đưa tin dồn dập, như Sài Gòn Giải Phóng, VTV24… thậm chí có chuyên mục riêng về “Bầu cử Tổng thống Mỹ” như của Vietnamnet.
RFA dẫn nhận định của nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng:
“Việc được nói thoải mái về bầu cử nước ngoài, ngoài việc vừa tạo ra cảm giác của một đất nước có tự do ngôn luận, còn nhằm mục đích chính là chứng minh cho người dân Việt Nam thấy chính trị nước ngoài bất ổn, và họ thường đánh đồng điều này với việc mất ổn định đất nước. Từ đó, người dân Việt Nam không còn muốn có đa đảng cạnh tranh vì không muốn sống trong một đất nước bất ổn.”
Ông Nguyễn Viết Dũng, người từng bị tuyên án 6 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” nhận định thêm rằng, do Việt Nam không có bầu cử tự do, nên việc hạn chế thông tin bầu cử trong nước, như một biện pháp để duy trì sự đồng thuận của dân chúng và sự ổn định của xã hội, theo định nghĩa của nhà nước Việt Nam.
RFA cũng dẫn bình luận của một luật sư ở Hà Nội, cho hay, việc đưa tin về bầu cử Mỹ “nên được xem là động thái tích cực, hơn Triều Tiên hay Trung Quốc”.
Theo ông, việc này là “để giải tỏa bớt bức xúc của người dân… nó hữu ích về mặt tinh thần cho người dân, và giảm bớt sự chú ý vào những khiếm khuyết hiện tại về thể chế chính trị, cách thức tiến hành ứng cử, bầu cử ở Việt Nam”.
Xuân Hưng – thoibao.de