Chính quyền Cộng sản thể hiện thái độ gay gắt với biểu tượng của Việt Nam Cộng hoà, chỉ để chứng tỏ tính chính danh của mình

BBC Tiếng Việt ngày 10/11 bình luận “‘Cờ ngụy” và “ngón tay thối” trong bảo tàng quân sự”.

BBC cho biết, nhiều người đánh giá rằng, việc bảo tàng quân đội trưng bày những lá cờ vàng, với chú thích “cờ ngụy” – một cách gọi mang tính miệt thị đối với chính thể từng tồn tại ở phía nam vĩ tuyến 17, là bước đi không khác gì một sự lĩnh xướng màn đả kích, kích động hận thù mới.

Trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh một số người trẻ tuổi, đứng cạnh lá cờ vàng với các cử chỉ mang tính bài xích, đả kích, như: giơ 2 ngón tay gạch chéo tạo thành hình chữ X, giơ ngón tay giữa hay còn gọi là “ngón tay thối”,… kèm với những dòng chữ như “cút” hoặc “thua thì nín”.

BBC dẫn đánh giá của Giáo sư Alex – Thái Võ, từ Đại học Texas Tech (Mỹ), cho rằng, cách chú thích của bảo tàng là “phỉ báng” và “chưa thể hiện sự trưởng thành và dũng cảm của một thể chế, trước những biến động của xã hội”.

Theo BBC, cần làm rõ rằng, đây không phải hành động bột phát của một nhóm nhỏ, mà đã trở thành một “trend”.

BBC dẫn bình luận của nhà văn Nguyễn Viện, từ Sài Gòn, cho rằng, đây không phải một thái độ chính trị, mà là thái độ văn hoá.

“Một thái độ văn hóa trong một bảo tàng lịch sử, mà thiếu sự tôn trọng đối với những hiện vật, cũng là một ứng xử văn hóa, biểu hiện sự thất bại của giáo dục.”

“Một nền giáo dục đã tạo ra những con người thiếu nghiêm trang, thiếu tôn trọng với lịch sử và quá khứ, trong một cơ sở cần sự tôn trọng và nghiêm trang như bảo tàng, theo cách của một con người có văn hóa là một nền giáo dục thất bại.”

“Tuy không mang tính phổ quát, nhưng những hành động giễu cợt, phỉ báng này, cho thấy, xã hội chúng ta vẫn còn quá nặng nề với quá khứ, vẫn cứ địch – ta, thắng – thua.”

“Ngoài yếu tố giáo dục học đường, việc ứng xử thiếu văn hóa với lịch sử, theo tôi, còn là hệ quả của cả một quá trình tuyên truyền tập nhiễm từ thời chiến tranh, mà sau 50 năm hòa bình, “hòa giải”, người ta vẫn không thể “buông súng”. Đây chính là ý nghĩa của tương tàn, nội chiến” – ông Viện nói.

BBC dẫn nhận xét của ông Nguyễn Quang Duy, Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại tiểu bang Victoria (Úc), cho rằng, đối với nhiều người trẻ trong nước, “việc không ưa lá cờ Việt Nam Cộng hòa thì điều đó cũng dễ hiểu thôi. Các em sinh ra và lớn lên dưới thể chế Cộng sản. Những gì các em được biết chủ yếu là “một chiều”, do Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền và giáo dục”.

BBC cũng cho biết, các biểu tượng của Việt Nam Cộng hoà vẫn là điều cấm kỵ với chính quyền Cộng sản, dù đã gần 50 năm trôi qua, kể từ khi chính thể này sụp đổ.

BBC dẫn đánh giá của một nhà quan sát tại Sài Gòn, cho hay, trong các nội dung giáo dục và tuyên truyền của chính quyền đối với người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, lá cờ này là đối tượng cần bị bài xích, phủ nhận.

Điều đó đã hình thành một tâm lý “dị ứng”, thù ghét, hoặc cảnh giác, ở một bộ phận người dân, khi thấy hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ.

Vấn đề đặt ra là, vẫn theo BBC, tại sao đã gần 50 năm trôi qua, thái độ của chính quyền hiện tại vẫn còn gay gắt như vậy.

Nhà văn Nguyễn Viện tin rằng, chính quyền “mượn con ma Việt Nam Cộng hòa chỉ để biện minh cho chính nghĩa và sự tồn tại của mình”.

BBC nhắc lại việc Tổng Bí thư Tô Lâm lảng tránh, không trả lời thẳng vào câu hỏi của Giáo sư Liên Hằng, về việc hoà giải giữa những người Việt Nam, trong chuyến thăm và phát biểu tại Đại học Columbia (Mỹ), vào tháng 9 vừa qua.

Lý giải về thái độ của chính quyền Việt Nam, ông Alex – Thái Võ cho rằng, đó là cách Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng, để bảo vệ tính chính danh của mình, và duy trì sự kiểm soát chính trị, tạo ra một không gian xã hội thống nhất dưới biểu tượng và giá trị của mình.

 

Hoàng Anh – thoibao.de