Bà Trương Thị Mai và ông Võ Văn Thưởng là 2 nhân vật trưởng thành từ Trung ương Đoàn. Ông Thưởng lên được đến Tứ trụ, còn bà Mai thì vào được nhóm 5 lãnh đạo chủ chốt của Đảng.
Tuy nhiên, sóng gió chính trường khiến cả bà Mai lẫn ông Thưởng đều ngã ngựa, cho thấy, họ không có khả năng tự đứng. Trước đây, họ tiến thân nhờ Tổng Trọng nâng đỡ. Nhưng khi Tổng Trọng đổ bệnh, thì họ cũng như nến trước gió, Tô Lâm chỉ cần “phất tay” là cả 2 cùng ngã nhào.
Thông thường, trong mỗi nhiệm kỳ, Trung ương Đoàn được 2 suất uỷ viên Trung ương Đảng. Trong đó, suất chính thức dành cho Bí thư Thứ nhất, xuất dự khuyết cho Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn. Do đó, nhiều lãnh đạo địa phương cũng trưởng thành từ Trung ương Đoàn.
Từ nhiều năm qua, Trung ương Đoàn được xem là nơi mà giới lãnh đạo thượng tầng gửi gắm con em. Ở đây ít đấu đá, vì thường được cơ cấu từ thượng tầng. Vậy nên, con cái lãnh đạo cấp cao rất có lợi thế, khi được gửi vào đây để chờ “cơ cấu”.
Cả ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Nguyễn Tấn Dũng đều gửi con trai mình vào Trung ương Đoàn. Ông Phúc gửi Nguyễn Xuân Hiếu, còn ông Dũng gửi Nguyễn Minh Triết.
Hiện nay, Nguyễn Xuân Hiếu chỉ là Ủy viên Trung ương Đoàn, còn rất xa so với vị trí Bí thư Trung ương Đoàn. Hiếu bị dẫm chân tại chỗ, do ông Phúc đã mất quyền lực, mất uy tín, không còn đủ sức để nâng con trai lên được nữa. Trong khi đó, khả năng tự khẳng định bản thân của Hiếu thì không đạt.
Nguyễn Minh Triết đã trở thành Bí thư Trung ương Đoàn từ nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, Triết vẫn chưa thể chen chân vào 1 trong 2 ghế có thể tranh suất Ủy viên Trung ương Đảng. Ở Đại hội Toàn quốc Trung ương Đoàn vào cuối năm 2022, Triết không được cất nhắc. Nguyên nhân được cho là, lúc đó, ông Ba Dũng chưa dám ra tay, bởi ông Nguyễn Phú Trọng vẫn còn sống. Nay, ông Trọng đã chết, Ba Dũng đã công khai xuất hiện trên chính trường, tuy nhiên, ông đang dồn sức cho Nguyễn Thanh Nghị, thay vì tập trung vào Nguyễn Minh Triết.
Ở Trung ương Đoàn, nhóm Nghệ An rất mạnh, do đó, con ông Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Tấn Dũng khó cạnh tranh. Tuy ông Phúc và ông Dũng từng làm Thủ tướng, nhưng cả 2 ông đều không có chân rết vững chắc ở Trung ương Đoàn. Xem ra, cả 2 đều nhét con không đúng chỗ.
Chính trường hiện nay rất khốc liệt. Người từ Trung ương Đoàn ngoi được lên đến hàng Tứ trụ, vẫn thể hiện khả năng chịu gió rất kém. Cùng ngồi Tứ trụ, nhưng khả năng chịu đựng sóng gió, giữa Phạm Minh Chính – gốc Công an, và Võ Văn Thưởng – gốc Trung ương Đoàn, cho thấy có sự chênh lệch rất lớn. Võ Văn Thưởng non nớt dễ gãy, còn Phạm Minh Chính thì cứng cáp vững vàng.
Rất có thể, bắt đầu từ thời Tô Lâm, thượng tầng chính trị là nơi dành cho các tướng lĩnh gốc quân đội và công an tranh hùng tranh bá. Điều này hứa hẹn, võ đài ngày một khốc liệt hơn, dần đào thải những “công tử bột” trưởng thành từ Trung ương Đoàn.
Ngay cả Nguyễn Thanh Nghị cũng yếu hơn hẳn, so với các tướng công an. Khả năng, Vũ Hồng Văn, Đinh Văn Nơi, Nguyễn Ngọc Lâm… sẽ tiến nhanh và vững chắc hơn cả Nguyễn Thanh Nghị. Trong khi Vũ Hồng Văn đang đợi suất vào Trung ương Đảng, nắm giữ một ban trong Ban Bí thư, thì Đặng Quốc Khánh đã rụng. Xu thế hiện nay là như vậy, những người xuất thân dân sự như Nguyễn Thanh Nghị, Đặng Quốc Khánh, sẽ dễ bị rụng hơn lớp tướng tá công an cùng trang lứa.
Như vậy, rất khó để Nguyễn Xuân Hiếu và Nguyễn Minh Triết có được chỗ đứng trong tương lai. Giả sử, cả ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Nguyễn Tấn Dũng, bằng cách nào đó, đẩy được con trai vào Trung ương Đảng, thì lúc đó, liệu 2 quý tử này có đủ sức để chống đỡ với những ông tướng công an hay quân đội hay không?
Có thể thấy, cả Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Tấn Dũng đều bị mắc kẹt quý tử ở Trung ương Đoàn!
Hoàng Phúc – Thoibao.de