Trong bối cảnh nợ công rất lớn, Nhà nước với 2 bộ máy đảng và chính quyền song trùng quá cồng kềnh, cộng với những tổ chức hội, đoàn không cần thiết, đã tiêu tốn chi phí quá lớn.
Một trong những nội dung mà Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập trong vấn đề “chống lãng phí” là bộ máy nhà nước quá cồng kềnh, kém hiệu quả, cần phải sắp xếp, tinh gọn lại.
Trên mạng xã hội, phản ứng của công luận bày tỏ sự đồng tình, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, ông Tô Lâm gần đây nói “lời hay, ý đẹp” hơi bị nhiều, nhưng có thể là nói mà không làm hay dở dang theo lối đánh trống bỏ dùi.
Trước đây khoảng 25 năm, lãnh đạo Việt Nam cũng từng đã đề cập đến chuyện “muôn thuở” này, nhưng kết quả bộ máy nhà nước càng phình to hơn cũ. Cho nên đa số người dân đã không còn tin.
Đáng chú ý, không chỉ có Tổng Bí Thư Tô Lâm là người đặt vấn đề, mà cả Thủ Tướng Phạm Minh Chính cũng đưa ra yêu cầu cần tinh gọn bộ máy Chính phủ.
Báo VnExpress ngày 10/11 đưa tin, “Thành lập Ban chỉ đạo về tinh gọn bộ máy của Chính phủ”. Bản tin cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu thành lập thêm Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc… để triển khai việc tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, chỉ đạo vừa kể của ông Phạm Minh Chính đã trở thành câu chuyện đàm tiếu trên mạng xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao muốn tinh gọn bộ máy, mà ông Chính lại cho lập ra thêm các ban, các tổ chỉ đạo, thì tinh gọn để gì? Đây là một sự chỉ đạo “lợi bất cập hại”, và không hiệu quả của Thủ tướng Chính.
Công luận thấy rằng, với thực trạng, vị trí công chức, viên chức đang có giá như hiện nay. Một vị trí lao công quét rác ngoài đường – là người của nhà nước, cũng cần phải có dây mơ rễ má đến một lãnh đạo nào đó. Không thì ít ra cũng phải quà, chạy chọt… Cho nên việc tinh giảm, sáp nhập các đơn vị là một điều rất khó thực hiện. Hay chỉ như việc “bắt cóc bỏ đĩa”, ít lâu sau bộ máy lại tự phình ra như trước đây.
Theo giới chuyên gia, để có thể thực hiện nhanh chóng, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không cần tổ chức hội họp hay bàn bạc nhiều. Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết, với nội dung chỉ thị, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chủ quản cấp bộ hoặc tương đương, tinh giản đồng loạt 30% nhân sự hiện có. Đồng thời, sau 1 tháng, lập tức Chính phủ cho cắt giảm 30% chi phí quản lý.
Với phương thức tổ chức làm từ dưới làm lên các đơn vị cơ sở chủ động bình chọn loại đủ 30% nhân sự hiện có. Lãnh đạo phải chịu trách nhiệm và nếu không hoàn thành sẽ bị ra quyết định sa thải ngay lập tức. Ai hoàn thành vượt chỉ tiêu sẽ được xét khen thưởng. Chỉ trong một thời gian ngắn, lập tức bộ máy nhà nước sẽ gọn nhẹ trong sạch. Thế là một công được đôi ba việc.
Đồng thời, xem xét sáp nhập một số bộ, ngành có chức năng song trùng, đồng thời, xóa bỏ các ban, hội đoàn và tổ chức quần chúng vô tích sự, chỉ để đến cấp huyện, bỏ cấp xã phường và tương đương.
Hệ thống tổ chức chính quyền ở Việt Nam hiện nay tồn tại song song 2 bộ máy nhà nước, và bộ máy đảng, là câu chuyện đã được nói đến từ lâu. Việc làm tinh gọn bộ máy đảng và bộ máy chính quyền, để chấm dứt tránh tình trạng cứ mỗi ban bệ của chính quyền thì đồng thời tồn tại một bộ máy của đảng, với cùng nhiệm vụ và chức năng.
Vì Tổng Bí thư Tô Lâm là người khởi xướng chủ trương làm tinh gọn bộ máy nhà nước. Công luận thấy rằng, ông Tô Lâm cần nêu gương giảm bớt biên chế trong ngành Công an.
Trên thực tế, sau Đại hội 13, Bộ Công an Việt Nam đã được sắp xếp lại tổ chức, giải tán được một số Cục, Tổng cục. Tuy nhiên, mới đây lại “đẻ ra” lực lượng “bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” chính quy. Đây là điều không cần thiết.
Trà My – Thoibao.de