Ngày 11/11, RFA Tiếng Việt có bài “Việt Nam khó xử khi đối mặt với kỷ nguyên Trump vì thặng dư thương mại với Mỹ”, của Giáo sư Zachary Abuza, từ Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ.
Theo tác giả, kết quả bầu cử Mỹ khiến Việt Nam dễ bị tổn thương hơn, so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á, trước những thay đổi trong chính sách kinh tế và thương mại của Hoa Kỳ, chưa kể đến chính sách an ninh.
Thặng dư thương mại thường xuyên và ngày càng tăng của Việt Nam với Hoa Kỳ, có thể sẽ là vấn đề hàng đầu trong mối quan hệ song phương.
Tác giả nhắc lại, năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Trump – 2017, Việt Nam có thặng dư thương mại 38,3 tỷ USD với Hoa Kỳ. Đến năm 2020, năm cuối cùng ông Trump nắm quyền nhiệm kỳ trước, thặng dư thương mại đã tăng lên 69,7 tỷ USD.
Điều đó đã khiến chính quyền Trump gán cho Việt Nam cái mác “nước thao túng tiền tệ”.
Tác giả nhận xét, điều đáng ngạc nhiên nhất, và cũng sẽ thu hút sự chú ý của chính quyền sắp tới, là việc Việt Nam không hề gia tăng nhập khẩu từ Mỹ, khiến thâm hụt thương mại gia tăng.
Tác giả cho biết, báo Economist xếp Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ 4, từ những sự thay đổi của chính quyền Trump, khi thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lớn thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Trong khi quy chế nền kinh tế thị trường vẫn là ưu tiên ngoại giao của Việt Nam, Hà Nội chắc chắn sẽ không đạt được tiến triển nào trong những năm tới.
Tác giả cho rằng, Việt Nam sẽ muốn tiếp tục theo đuổi hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ.
Thế nhưng, Hà Nội cũng không nên hy vọng gì ở lĩnh vực này.
Tác giả phân tích, khả năng chính quyền Trump áp mức thuế cao, sẽ làm giảm thêm đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Trong khi, xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 22,1% GDP của Việt Nam, trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 80% GDP, điều này khiến Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước các tác động bên ngoài.
Thặng dư thương mại với Hoa Kỳ còn quan trọng, vì một lý do khác: nó xóa bỏ thâm hụt thương mại khổng lồ hàng năm của Việt Nam với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tác giả cho hay, những vấn đề nhức nhối, bao gồm nhân quyền, quyền lao động, tự do tôn giáo, lại không phải là vấn đề đối với chính quyền Trump.
Hà Nội sẽ vui mừng khi trong 4 năm sắp tới, sẽ không chịu sức ép về vấn đề này.
Tác giả đánh giá, có lẽ, lĩnh vực mà 2 bên có thể hợp tác, nằm ở các khoáng sản chủ chốt.
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 sau Trung Quốc, ước tính khoảng 22 triệu tấn, tuy nhiên, khả năng tinh chế lại rất hạn chế. Hiện nay, các điều kiện đầu tư vào lĩnh vực này vẫn rất kém.
Tác giả cho rằng, người Việt Nam có xu hướng thích Trump vì lập trường cứng rắn với Trung Quốc, điều này dẫn đến việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các nước như Việt Nam và Ấn Độ.
Nhưng trên thực tế, Việt Nam bị gắn chặt với chuỗi cung ứng của Trung Quốc, và bất kỳ cuộc đối đầu thương mại hoặc quân sự lớn hơn nào cũng sẽ có hại cho nền kinh tế Việt Nam.
Tác giả nhận định, có một điều không thể chối cãi, đó là, không ai duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhiều hơn Hoa Kỳ.
Việt Nam sẽ phải thích ứng với bất kỳ cấu trúc an ninh khu vực mới nào, phát sinh từ sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ, dưới thời Trump.
Việc Mỹ triệt thoái, có thể dẫn đến sự hung hăng từ Trung Quốc, bởi quốc gia này quá lớn và có khả năng đe dọa đơn phương.
Vẫn theo tác giả, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, sẽ phải đánh giá lại mối quan hệ của họ với Washington, và sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của chính họ. Nhưng họ cũng sẽ phải tăng cường hợp tác an ninh với các nước như Việt Nam.
Chính quyền Trump sẽ đẩy nhanh việc hình thành trật tự thế giới đa cực, điều mà Hà Nội muốn thấy.
Đồng thời, Việt Nam nhận thức được rằng, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ sẽ bị suy yếu trong những năm tới.
Quang Minh – thoibao.de