Quân Tô – Lương phát động “chiến tranh nhân dân” để chống nhân dân?

Ngày 1/1/2025, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực, xe vượt đèn đỏ có thể bị phạt từ 18 đến 20 triệu đồng.

Đây là con số không tưởng, bằng 2 tháng lương của nghề tài xế. Nhưng số tiền phạt này không nói lên tính nghiêm minh của pháp luật, bởi trước đó, chính quyền đã đề xuất bỏ đồng hồ đếm giây tại các giao lộ có đèn giao thông. Nghĩa là, đây chính là cái bẫy, để cảnh sát giao thông tha hồ vơ vét túi của người vi phạm, mà không sợ bị mang tiếng là làm luật.

Trước khi Nghị định 168 và đề xuất bỏ đồng hồ bấm giây ra đời, thì nhà cầm quyền đã có bước đi chuẩn bị về mặt pháp lý. Đó là cho công an lấy phần lớn trong số tiền phạt một cách hợp pháp, không cần phải cống nạp vào ngân sách. Cụ thể, ngày 10/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phân bố ngân sách Trung ương năm 2024. Trong đó, Bộ Công an được hưởng 85% số tiền thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính, trong lĩnh vực an toàn giao thông.

Như vậy, với Nghị định 168 + đề xuất bỏ đồng hồ bấm giây + Nghị quyết Phân bổ ngân sách năm 2024 của Quốc hội, giờ đây, công an được pháp luật bảo kê, mặc sức trấn lột người dân. Trước đây, dù việc trấn lột dân vẫn diễn ra hàng ngày, nhưng vẫn phải che dấu, vì hành động đó bị gọi là “cướp”. Nay, việc “cướp” đã được luật hóa, lính của Tô Lâm và Lương Tam Quang tha hồ bào vào sức dân, để làm giàu cho bản thân và cho ngành.

Mới đây, Chính phủ lại ban hành Nghị định 176/2024, quy định về quản lý, sử dụng kinh phí thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, và đấu giá biển số xe, sau khi nộp vào ngân sách. Tại Khoản 3, Điều 7 của Nghị định này, quy định, người tố giác người khác vi phạm giao thông, có thể được thưởng đến 5 triệu đồng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Như vậy, với Nghị định 176/2024, xem như, nhà cầm quyền Cộng sản đang phát động chiến dịch “dân tố dân”. Đây là một biến tướng của chiến dịch Cải cách Ruộng đất, dùng nhân dân tố giác nhân dân.

Nhờ Nghị định mới này, cảnh sát giao thông có thể tận thu, mặc dù họ không chứng kiến người vi phạm vượt đèn đỏ. Với 4 lần tố giác, có thể gỡ lại một lần vi phạm. Các tài xế sẽ dùng camera hành trình để ghi lại những xe phía trước họ “lỡ vượt đèn đỏ”. Như vậy, cùng với Nghị định này, nhà cầm quyền đang sử dụng chiến dịch “chiến tranh nhân dân”, để săn lùng nhân dân mà trấn lột. Có thể nói, đây là một kế hoạch vô cùng hiểm độc, nhắm vào người dân.

Đồng bộ chính sách sẽ mang lại hiệu quả gấp bội. Nhưng với những chính sách có lợi cho đất nước, thì chính quyền lại không thể đồng bộ. Ví dụ, việc sửa đường và sửa hệ thống cấp thoát nước đô thị, nếu đồng bộ tu sửa một lần, thì làm sao có chuyện đường mới sửa lại bị đơn vị cấp nước đào bới? Tuy nhiên, với những kế hoạch để trấn lột dân, thì nhà cầm quyền thực hiện rất đồng bộ.

Có thể mô tả cách họ đồng bộ như sau:

Chính quyền địa phương bỏ đồng hồ bấm giây để gài bẫy dân. Bộ Công an ra Nghị định để vét thật nhiều tiền từ túi người bị dính bẫy. Quốc hội ra Nghị quyết cho phép Công an được giữ đến 85% tiền “trấn lột”. Và cuối cùng là Chính phủ ra Nghị định, phát động phong trào “nhân dân tố nhân dân”, để không còn ai có thể thoát, cho dù không có mặt cảnh sát tại chốt giao thông.

Như vậy, không thể nói nhà cầm quyền Cộng sản không biết đồng bộ chính sách, mà có những chính sách, họ đồng bộ rất tốt. Tuy nhiên, sự phối hợp đồng bộ ăn ý giữa các cơ quan ban ngành, từ Trung ương đến địa phương, chỉ xảy ra khi họ làm điều xấu, điều có hại cho dân cho nước.

 

Trần Chương – Thoibao.de