Nửa nhiệm kỳ sau của Trung ương Đảng khóa 13 là những cuộc thư hùng, cả ngầm lẫn nổi, để định hình 4 chân trong Tứ Trụ cho nhiệm kỳ sắp tới. Ông Nguyễn Phú Trọng đang là người làm chủ cuộc chơi, và đang là nơi mà nhiều nhân vật khác đang nhờ cậy. Tham vọng chính trị của ông Tổng Bí thư vẫn không suy chuyển, mặc dù sức khỏe của ông hiện nay rất yếu. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy, ông Trọng muốn về hưu vào cuối nhiệm kỳ.
Trong các đời Thủ tướng, chưa có đời nào mà phải đối đầu với nhiều trụ như ông Phạm Minh Chính hiện nay. Trước kia, Trung ương có 4 trụ, thường là 4 trụ khác nhau. Tuy nhiên, với khóa 13 này, sau hơn nửa nhiệm kỳ, trong Tứ Trụ hiện nay chỉ còn 2 phe; 3 trụ – gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội – đang được tạm xem là một phe, còn phe kia chính là Thủ tướng. Có thể nói, trụ Thủ tướng hiện nay đang “tứ bề thọ địch”.
Theo đánh giá của những người từng tháp tùng Thủ tướng đi công tác nước ngoài, thì ông Tô Lâm, tuy chê ghế Chủ tịch nước, nhưng lại thèm khát được chen chân vào Tứ Trụ. Ông Tô Lâm tránh chiếc ghế hữu danh vô thực mà ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đang nắm giữ, phần vì ghế này không có triển vọng leo cao hơn, phần vì ghế này không xơ múi được gì. Và quan trọng nhất, ghế này không có thực quyền, trong khi Tô Lâm có quá nhiều kẻ thù. Nếu ngồi vào ghế Chủ tịch nước, thì có nguy cơ, Tô Lâm lại là một Trần Đại Quang thứ hai thì xong đời.
Ghế Tổng Bí thư hiện nay được xem là sở hữu riêng của ông Nguyễn Phú Trọng, không ai dám hất ông ra, bởi vì thế lực chính trị của ông quá mạnh. Vấn đề là, muốn chen chân vào Tứ Trụ, thì phải có người ngã ngựa giữa nhiệm kỳ. Và tất nhiên, người mà ông Tô Lâm muốn bị đưa ra khỏi Tứ Trụ nhất, chính là đương kim Thủ tướng.
Giữa đương kim Thủ tướng và ông Bộ trưởng Bộ Công an có những mối ganh đua ngầm từ lâu. Khi còn ở Bộ Công an, hai người này như cặp song mã, không ai chịu thua ai. Từ việc phấn đấu thăng quân hàm, cho đến việc chạy chọt bổ nhiệm, thì đây được xem là cặp đấu ngang sức ngang tài. Sự khác nhau giữa hai người xảy ra khi ông Phạm Minh Chính rời khỏi Bộ Công an năm 2011, để về làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh.
Những tưởng rằng, đi đường vòng sẽ chậm hơn, nhưng ngược lại, Phạm Minh Chính đi đường vòng lại nhanh hơn đi đường thẳng. Vào đầu năm 2021, ông Phạm Minh Chính trở thành Thủ tướng, đứng đầu Chính phủ, trong khi, ông Tô Lâm vẫn chỉ là Bộ trưởng. Về mặt nhà nước, ông Tô Lâm là cấp dưới của ông Phạm Minh Chính. Về mặt Đảng, ông Phạm Minh Chính ở vị trí thứ 3 trong Bộ Chính trị, còn Tô Lâm chỉ ở vị trí thứ 7.
Theo nguồn tin riêng đánh giá, hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng đang có tham vọng biến Tứ Trụ về một mối, ngay giữa nhiệm kỳ này. Tứ trụ có 4 chân, thì 3 chân đã về một mối sau hơn 2 năm chiến đấu, chỉ còn lại trụ Thủ tướng vẫn “cứng đầu”.
Thực tế, trụ Thủ tướng rất có thực quyền, cho nên, muốn hất được trụ Thủ tướng không phải dễ. Nếu hất được thì ông Tổng đã hất ông Chính cùng một lần với ông Nguyễn Xuân Phúc, bởi về sai phạm của Chính phủ trong 2 vụ án chuyến bay giải cứu và Việt Á, thì cả 2 ông đều có trách nhiệm.
Nút thắt hiện nay để giải quyết ông Phạm Minh Chính là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Bản thân Tô Lâm cũng đang hỗ trợ ông Tổng Bí thư truy bắt bà Nhàn, nhưng dường như tới nay vẫn bế tắc. Việc cho báo chí đăng lời kêu gọi bà Nhàn ra đầu thú để hưởng khoan hồng, càng chứng tỏ ông Tô Lâm bí đường. Cuộc đối đầu âm thầm giữa ông Tô Lâm và ông Thủ tướng hiện nay rất gay gắt, bởi nó liên quan đến sự nghiệp chính trị của ông Tô Lâm. Ông này ngã ngựa thì ông kia sẽ lên yên ngựa.
Nếu bứng được ông Thủ tướng trong thời gian giữa nhiệm kỳ này, thì kịch bản có thể là, Vương Đình Huệ sẽ lên Thủ tướng và Tô Lâm sẽ là Chủ tịch Quốc hội. Rồi đợi đến Đại hội 14, Tô Lâm sẽ lên làm Tổng Bí thư. Tuy nhiên, việc lật Thủ tướng không dễ, và có khả năng, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ dùng phương án 2.
Ý Nhi – Thoibao.de