Biến chủng nguy hiểm của siêu vi háo danh, thực tế đáng xấu hổ cho xã hội Việt Nam

Những bài học nằm lòng chẳng hạn như, nếu bạn “nhặt được của rơi phải đem trả cho người bị mất, thấy người già phải giúp đỡ, thấy trộm, cướp thì phải báo ngay cho công an”… là những điều bình thường được giáo dục trong bất cứ xã hội nào. Nhưng đối với Việt Nam, những hành động đẹp đẽ ấy dường như lại trở nên xa xỉ. Mỗi khi báo chí truyền thông nhà nước hết lời ca ngợi những việc làm tương tự, người dân lại được dịp xôn xao bàn tán, như thể một chuyện lạ hoặc như là phép màu.

Mới đây, vào ngày 3/1, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên dương các lực lượng Công an tỉnh, vì thành tích xuất sắc trong việc triển khai truy bắt thủ phạm cướp giật, và kịp thời tổ chức cứu sống người dân gặp nạn.

Vào đầu tháng 11/2022, một học sinh lớp 1 ở huyện Gio Linh nhặt được cái ví có nhiều giấy tờ quan trọng và số tiền hơn 12 triệu đồng, em đã trả lại cho người đánh mất. Hành động này sau đó được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen và tiền thưởng 1.490.000.

 

Bài viết Khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục trên báo Nhân Dân

Trước đó, Trưởng Công an xã Tịnh Trà cũng đã đề nghị cấp trên tuyên dương, khen thưởng một nông dân ở xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Người này nhặt được túi xách trong đó có 60 triệu đồng và một iPhone, sau đó đã báo công an xã để trả lại người đánh mất.

Trước những thông tin về những việc tưởng chừng như là hành động bình thường, mà lại được ca ngợi quá mức, nhiều người cho rằng, sẽ tạo nên hiệu ứng ngược.

Người ta sẽ dễ dàng bỏ qua tiếng nói của lương tâm, đạo đức khi không thực hiện những việc tương tự, bởi đơn giản, họ chỉ nghĩ rằng, nếu không làm thì chỉ đơn giản là không được khen thưởng. Và họ dễ dàng bỏ qua việc tự xét lại lương tâm xem điều đó có sai trái hay không. Chưa kể, việc khen thưởng vô tội vạ đặt ra một câu hỏi, phải chăng, những việc làm tốt như trên là hiếm hoi trong xã hội.

Một số người quan tâm lo ngại rằng, những việc bình thường trong xã hội mà lại được khen thưởng như thế, sẽ dẫn đến một xã hội thiếu lòng tốt, thiếu người tốt.

Bài viết Lạm phát khen thưởng do “khủng hoảng lòng nhân”? trên báo RFA

Luật sư Ngô Anh Tuấn đã có cuộc trò chuyện với Đài Á Châu Tự Do hôm 9/1, nêu ý kiến:

“Tôi thấy cứ ai nhặt được tiền mà trả lại là được vinh danh. Phải coi đó là nghĩa vụ trả lại cho người bị mất. Nghĩa vụ chứ không phải là quyền. Nghĩa vụ này được quy định bằng luật pháp.

Nếu làm những điều bình thường mà cứ được vinh danh, thì người được vinh danh, được khen lại nghĩ mình đang làm điều vượt khả năng của người khác, trong khi đó là nghĩa vụ của mình.”

“Tôi thấy khen thưởng những việc trong nghĩa vụ, bổn phận như lâu nay là tuyên truyền sai lệch. Phải tuyên truyền rằng, người này đã thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Đây phải được coi là phổ quát chứ không phải là cá biệt.” Ông Liêu Thái, tự nhận mình là nông dân, chia sẻ quan điểm của ông với RFA.

Hoài Linh nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú

Bàn về việc khen thưởng, ông Thái thấy có hai vấn đề chính, là hệ quả của khen thưởng tràn lan, khiến cho nhịp sống và đạo đức của thế hệ sau càng xô bồ và xuống cấp. Song song đó, việc lạm dụng khen thưởng phản ánh xã hội thiếu đi người có lòng tốt. Vì cái gì một khi thiếu thốn thì sẽ trở nên hiếm hoi và quý báu. Trong khi ở những đất nước mà lòng tốt hiện diện khắp nơi lại trở nên hết sức bình thường. Khi người ta phải khen thưởng để khích lệ những thứ bình thường có nghĩa là đất nước thiếu đi sự tử tế thực sự.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng: “Ở Việt Nam nó có những cái bất thường, đó là khen thưởng có tổ chức”. Giáo sư nêu quan điểm khi trao đổi với RFA vào sáng ngày 9/1

“Ai cũng muốn có thành tích. Mà muốn có thành tích, thay vì người ta làm việc thiện thật, làm điều hay thật, thì người ta lại tìm cách vận động. Đôi khi phải “mua” để có thành tích.” – ông chia sẻ thêm.

 

Minh Vũ – thoibao.de (Tổng hợp)